Hiện trạng đất đai khu vực Mê Công

State of Land in the Mekong Region là ấn phẩm đầu tiên tập hợp dữ liệu và thông tin về hiện trạng cùng những thay đổi về phân chia, quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên toàn khu vực Mê Kông.

Báo cáo được ra mắt tại Viêng Chăn vào tuần trước và được thực hiện bởi Trung tâm Môi trường và Phát triển (CED), Đại học Bern cùng Dự án Quản lý đất đai khu vực Mê Kông (MRLG).

Trọng tâm của ấn phẩm nhấn mạnh sự thay đổi to lớn về môi trường và xã hội tại các nước ở khu vực Mê Công bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Mặc dù đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng Mê Công vẫn chủ yếu là nông thôn với hơn 60% người dân sống ở nông thôn và chủ yếu làm nông nghiệp. Số dân cư này không chỉ ngày càng tăng về số lượng mà còn nghèo không cân xứng. Phần lớn lợi ích từ sự phát triển tập trung vào giới thượng lưu trong khi người nghèo nông thôn phải chịu phần lớn các chi phí, tổn thất và sự biến đổi của các quan hệ đất đai dẫn đến những nguy cơ mới đối với quyền hưởng dụng đất.

Cũng theo báo cáo, tất cả các quốc gia ở khu vực Mê Công đang ở trung tâm của sự chuyển đổi đất nông nghiệp. Giữa năm 1996 và năm 2015, tổng diện tích đất nông nghiệp ở khu vực tăng 20% tức khoảng 90 triệu ha. Phần lớn là do các nguồn vốn thiên nhiên của khu vực như rừng và các loại thảm thực vật khác đã phải hy sinh, nhường đường cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phân bổ nguồn tài nguyên đất nông nghiệp lại không đồng đều.

Ngành công nghiệp chè Việt Nam được hưởng lợi từ các thị trường mạnh trong khu vực và toàn cầu (Ảnh: Justin Mott/cde.unibe.ch)

Báo cáo nhấn mạnh động lực lớn của sự chuyển đổi đất nông nghiệp là sự gia tăng bùng nổ của các loại cây trồng như sắn, ngô, mía đường, cao su và dầu cọ. Tốc độ và phạm vi của các thay đổi này đã tạo áp lực căng thẳng lên năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc quản đất hiệu quả và công bằng, chỉ ra các điểm yếu trong khung pháp luật hiện có đối với việc đảm bảo quyền hưởng dụng đất đai cho đa số người dân làm nông nghiệp và ở nông thôn. Đó là chưa kể tới những khoảng trống lớn giữa các khuôn khổ chính sách và thực thi pháp luật về quản trị đất đai và mặc dù có các cải cách, tham nhũng vẫn là một vấn đề cố hữu.

Bích Ngọc (Theo MRLG)

Nguồn: