Cụ thể hóa hành động bảo vệ môi trường

Thế giới tổn thất từ 4.000 đến 20.000 tỷ USD vì hệ sinh thái bị ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn 1995-2011; đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương; 9 triệu ca chết sớm mỗi năm do ô nhiễm môi trường…

Đây chỉ là một vài ví dụ cho hàng loạt số liệu đáng báo động đã được nêu trong Báo cáo Môi trường toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 4 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa kết thúc cuối tuần qua.

Sự có mặt của đại diện hơn 170 quốc gia tại thủ đô Nairobi của Kenya trong khuôn khổ sự kiện về môi trường lớn nhất thế giới năm 2019 cho thấy những nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm và xây dựng nền kinh tế toàn cầu xanh, trước sức ép cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách đang đe dọa đời sống toàn nhân loại.

Hàng loạt cam kết hành động vì môi trường đã được đưa ra tại Hội nghị Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lần thứ 4.

Hội nghị của UNEP, còn gọi là Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA), cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc bên cạnh Đại hội đồng có thể triệu tập tất cả các quốc gia thành viên. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình nghị sự về môi trường này được xác lập ở mức độ toàn cầu.

Các quyết định, thỏa thuận, cam kết được UNEA đưa ra có tác động sâu sắc tới những mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong năm 2019, đồng thời đặt nền tảng cho hội nghị Hành động khí hậu Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 7-2019.

Với chủ đề Giải pháp sáng tạo cho những thách thức môi trường, tiêu dùng và sản xuất bền vững, hội nghị của cơ quan hàng đầu thế giới về môi trường thu hút khoảng 4.700 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và đại diện các tổ chức xã hội. Đây cũng là cuộc gặp lớn nhất trong lịch sử của UNEP, với số lượng đại biểu tham dự tăng gần gấp đôi so với hội nghị hồi tháng 12-2017.

Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo hàng loạt vấn đề như giải pháp đột phá cho các thách thức về môi trường, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển, xem xét các chính sách, công nghệ và giải pháp sáng tạo nhằm đạt mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Tổng cộng 23 nghị quyết không ràng buộc mà Giám đốc điều hành UNEP Joyce Msuya nhận định là “thể hiện ý chí chính trị toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức chung và giữ cho các nỗ lực hướng tới tương lai đi đúng hướng” đã được đưa ra, như: Thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn; giảm chất thải thực phẩm và cải tiến công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm tổn thất tài nguyên và đa dạng sinh học; chống lãng phí thực phẩm; quản lý dữ liệu toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa…

Đáng chú ý, đại diện hơn 170 nước tham dự hội nghị đã cam kết giải quyết những mối đe dọa đối với hệ sinh thái, đặc biệt là giảm mạnh các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần tới năm 2030. Đây được đánh giá là nỗ lực nổi bật nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm trên toàn cầu, với hơn 300 triệu tấn đồ dùng nhựa được sản xuất và khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm.

Dù các nhóm hoạt động vì môi trường như Break Free From Plastic, IPEN, Plastic Change, No Waste Louisiana hay Coare cho rằng, những nghị quyết đạt được tại Nairobi là chưa đủ so với kỳ vọng ban đầu về một hội nghị mang tầm thế giới, song Chủ tịch UNEA lần thứ 4 Siim Kiisler nhấn mạnh, đây là những cam kết tham vọng nhất từng được đưa ra kể từ khi hội đồng thành lập vào tháng 6-2012.

Yếu tố quan trọng nhất là mức độ sẵn sàng tham gia của các quốc gia thành viên, bởi điều thế giới cần không phải là những tài liệu dài dòng mà là những cam kết và hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta.