Các nước vùng Sahel đối phó với biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo 17 quốc gia vùng Sahel, châu Phi đã bắt đầu các cuộc thảo luận để bàn về kế hoạch trị giá 400 tỷ USD nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Sahel là khu vực có khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm (Ảnh minh họa: AFP)

Được khởi động vào ngày 25/2 tại Niger, hội nghị bàn về kế hoạch chống biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2018 – 2030, nhằm mục tiêu giảm khí thải carbon và cung cấp các trợ giúp cho cuộc chiến chống sa mạc hóa, cũng như các vấn đề khác liên quan đến biến đổi khí hậu.

Khoảng một nửa tỷ người sinh sống ở Sahel – khu vực có nhiệt độ cao, nguồn nước khan hiếm và nghèo đói. Bởi vậy, đây là khu vực rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou cho rằng, có mối liên hệ giữa an ninh và khí hậu. Ông đề cập đến sự xuất hiện của nhóm khủng bố Boko Haram phần nào liên quan đến tình trạng nghèo đói của người dân do mực nước hồ Chad sụt giảm, ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên nông nghiệp, chăn thả và đánh bắt cá. Các cuộc nổi dậy đã cướp đi sinh mạng của 27.000 người và khiến 1,8 triệu người mất nhà cửa và đi lánh nạn ở các quốc gia khu vực Hồ Chad.

Ông Issoufou cũng chỉ ra những lo ngại về việc không kiểm soát được tình trạng di cư khi người nghèo cố gắng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt ở những quốc gia châu Âu. “Sahel có thể chiếm phần lớn trong số 250 triệu người di cư được dự báo trên toàn thế giới vào năm 2050”, ông cho biết.

Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo 17 quốc gia vùng Sahel là bước tiếp theo của Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Kế hoạch mà các nhà lãnh đạo đưa ra bao gồm một chương trình ưu tiên, tập trung vào 6 dự án.

17 nước khu vực Sahel tham dự hội nghị này gồm Benin, Burkina Faso, Chad, Cameroon, Cape Verde, Djibouti, Gambia, Guinea, Ethiopia, Eritrea, Côte d’Ivoire, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal và Sudan.