Bãi Trằm tan hoang, doanh nghiệp “biệt tích”

Một doanh nghiệp khai thác cát tại Bãi Trằm (thuộc thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vượt độ sâu gây sạt lở và ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bức xúc.

Khai thác cát để lại những hồ nước mênh mông tại Bãi Trằm đe dọa an toàn của người và vật nuôi.

Như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, thời gian qua, người dân sống tại thôn Thủy Dương lo lắng trước việc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng 368 (Công ty 368) đến khai thác cát ở khu vực Bãi Trằm gây ô nhiễm môi trường, để lại những hồ nước sâu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với người và vật nuôi địa phương.

Mặc dù trong giấy phép nêu rõ phía Công ty phải có trách nhiệm khai thác khoáng sản đúng tọa độ với diện tích khai thác là 3ha, độ sâu so với bề mặt hiện trạng là 3m, công suất khai thác là 20.000m3/năm. Đồng thời thực hiện đầy đủ việc bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, nhưng người dân địa phương cho rằng Công ty này không thực hiện đúng theo giấy phép nêu trên mà đã có dấu hiệu khai thác vượt mức. Thậm chí là tận thu nguồn tài nguyên một cách triệt để.

Hơn nữa, giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp cho Công ty 368 khai thác tại Bãi Trằm là ngày 24/12/2018, đến nay đã hết hạn. Quan sát tại hiện trường khai thác cát những ngày qua, chúng tôi nhận thấy khu vực này đang tồn tại các hồ nước sâu hoắm, xung quanh là ruộng vườn và nhiều diện tích keo tràm đang sạt lở, chết dần dưới nước.

Người dân thôn Thủy Dương đang ngày đêm lo lắng không biết đến khi nào mới hoàn trả mặt bằng, các hồ nước ở Bãi Trằm quá nguy hiểm. Bất an nhất là xảy ra tai nạn với trẻ nhỏ vì ở đây không có rào chắn, trong khi biển cảnh báo, dây cảnh báo đã hư hỏng và bị nước lấp đi.

Theo ông Trương Hồng Kỹ-cán bộ địa chính xã Lộc Tiến, mỏ cát Bãi Trằm ở thôn Thủy Dương đã hết hạn, tuần trước xã đã họp về vụ việc Bãi Trằm với UBND huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan, theo quy trình sẽ họp tiếp 1-2 lần nữa để tìm phương án, nếu doanh nghiệp không hoàn thổ thì cấp trên xử lý.

Theo phòng TN&MT huyện Phú Lộc, doanh nghiệp có kí quỹ bảo vệ môi trường mức hơn 200 triệu đồng. Nếu sau này doanh nghiệp hoàn thổ mặt bằng không đảm bảo, ảnh hưởng đến dân sinh của người dân thì số tiền này được dùng để thực hiện việc hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên người dân địa phương cho rằng, chỉ quan sát bằng mắt thường thì những hố nước rộng mênh mông tại Bãi Trằm cũng đã vượt độ sâu so với quy định rất nhiều, liệu số tiền trên có đủ để hoàn thổ diện tích, chưa nói đến kinh phí tu sửa đường sá hư hỏng do vận chuyển cát gây nên.

Ông Phan Văn Trọng – Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Lộc thông tin thêm, phòng đã phối hợp với ban ngành, công an môi trường liên tục về kiểm tra, đã thuê Trung tâm quan trắc TNMT của Sở về đo đạc các hồ tại Bãi Trằm. Hiện nay, mỏ đã hết hạn và việc ảnh hưởng đến người dân là sự thật. Phòng cũng đã mời Công ty 368 họp đến 2 lần nhưng bây giờ doanh nghiệp bỏ đi đâu cũng không rõ.

“Chúng tôi đang gửi văn bản đến công ty, nếu họ không phản hồi thì phòng sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định với mức phạt từ 30-50 triệu đồng” – ông Trọng khẳng định.

Được biết trước đó, do việc khai thác cát tại Bãi Trằm không đảm bảo, quá độ sâu cho phép…, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đình chỉ doanh nghiệp khai thác.