Bảo vệ rừng Phu Canh

ThienNhien.Net – Đối với người dân quanh khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), rừng là nguồn lợi rất quan trọng, gắn bó máu thịt trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, chính quyền, cơ quan chức năng và người dân nơi đây đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này.

Người dân huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chăm sóc rừng (Ảnh: Vương Hùng)
Người dân huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chăm sóc rừng (Ảnh: Vương Hùng)

Khu bảo tồn Phu Canh có diện tích tự nhiên hơn 5.300 ha, nằm trên địa bàn bốn xã Đoàn Kết, Tân Pheo, Đồng Chum và Đồng Ruộng của huyện Đà Bắc, gồm 28 thôn bản, hơn 2.600 hộ dân, chủ yếu là người Tày sinh sống. Nơi đây có tính đa dạng sinh học quan trọng nhờ có hệ sinh thái và thảm thực vật rừng kín lá rộng xanh nhiệt đới và á nhiệt đới núi thấp, đặc trưng cho khu vực Tây Bắc Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh hiện vẫn là nơi sinh sống của hơn 100 loài động, thực vật quý hiếm. Tại đây, đã phát hiện có 52 loài thực vật đang bị đe dọa, trong đó có 44 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007; 27 loài thú (có bảy loài nằm trong Sách đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên – IUCN); 85 loài chim (có bốn loài trong sách đỏ), 21 loài bò sát (tám loài trong sách đỏ), 22 loài ếch nhái,…

Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh Đào Hữu Lợi vẫn chưa quên những ngày mới chuyển về nhận công tác tại Khu bảo tồn Phu Canh. Vào thời điểm giữa năm 2011, rừng Phu Canh đã bị “lâm tặc” xâm hại nghiêm trọng với 18 cây gỗ phay (có đường kính từ hai mét trở lên) thuộc khu vực Bưa Phay (xã Đoàn Kết) bị đốn hạ, khối lượng hơn 170 m 3 gỗ,…Dạo ấy, tiếng cưa máy rền vang cả khu rừng trước sự bất lực của lực lượng kiểm lâm. Do địa hình đồi núi hiểm trở, lâm tặc chia thành từng nhóm nhỏ, cử người canh gác, thậm chí có cả cán bộ xóm tham gia nên lực lượng kiểm lâm rất khó tiếp cận, tuyên truyền, ngăn chặn. Phải mất hơn ba tháng, các lực lượng công an, kiểm lâm huyện Đà Bắc cùng phối hợp mới cơ bản ngăn chặn được nạn phá rừng bừa bãi ở đây.

Phó Chánh án TAND huyện Đà Bắc Vũ Văn Túc chia sẻ: Các bị cáo phần lớn là đồng bào Dao, động cơ phạm tội chủ yếu là để phục vụ gia đình, do đó có nhiều trường hợp là người cùng gia đình tham gia phá rừng. Trong số 63 bị cáo bị xét xử, có tới 58 người ở xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết.

TAND huyện Đà Bắc phải mở tổng cộng chín phiên tòa mới xét xử xong, nhiều trường hợp phạm tội còn chưa biết chữ, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, nên 100% số bị cáo được hưởng án treo.

Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (huyện Đà Bắc) Hà Viết Thanh cho biết: Đến nay, đã có 29 trường hợp chấp hành án xong, những trường hợp còn lại đang thụ án tại địa phương. Người dân qua vụ án này cũng đã nâng cao nhận thức, không phá rừng nữa, hằng ngày cần cù với ruộng ngô nương sắn, tăng gia chăn nuôi để cải thiện đời sống. Phó Trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Minh Thủy tâm sự: Sau sự cố đáng tiếc ấy, 15 cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước ngành và chính quyền địa phương; ngành phối hợp với huyện, các ngành chức năng và chính quyền cơ sở kịp thời đưa ra những giải pháp quản lý rừng tại gốc. Ban quản lý rừng Phu Canh đã phối hợp với bốn xã: Đoàn Kết, Tân Pheo, Đồng Chum và Đồng Ruộng, xây dựng và củng cố 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 49 thành viên. Lãnh đạo đơn vị đã phân công cán bộ kiểm lâm xuống “nằm vùng” tại cơ sở. Nhiều vụ vi phạm đã được người dân báo cáo cho tổ bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm đến ngăn chặn. Năm 2014, Ban quản lý kịp thời phát hiện ba vụ vi phạm, phá hủy một số lều lán, tịch thu 7,3 m 3 gỗ sung công quỹ nhà nước.

Để thay đổi nhận thức cũng như ý thức bảo vệ rừng từ phía người dân, Ban quản lý khu bảo tồn đã áp dụng cách thức quản lý bảo vệ rừng mới theo hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; tranh thủ vai trò, vị trí của người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân.

Tiêu biểu là tấm gương của ông Xa Văn Thế, người Tày ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum. Hằng năm, ông tổ chức họp dòng họ, cho các gia đình ký cam kết về an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn các xóm, xã đưa nội dung quản lý, bảo vệ rừng vào các quy ước, hương ước. Ông Thế còn là người đi đầu và trực tiếp tham gia việc giám sát quần thể cây nghiến tại xóm Nhạp, đồng thời gieo ươm cây giống và vận động các hộ dân trồng hàng trăm cây nghiến trên địa bàn xóm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các dự án và kế hoạch trồng rừng mới hằng năm đã tạo nguồn lực cho nhân dân bốn xã tích cực phát triển sản xuất lâm nghiệp. Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ sông Đà Đăng Văn Hải cho biết, từ năm 2011-2013, đã giải ngân hơn 1,3 tỷ đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân có thêm kinh phí để gắn bó với rừng hơn. Năm 2014, người dân đã khoanh nuôi bảo vệ 7.158 ha rừng phòng hộ xung yếu, trồng mới 837 ha rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Hà Viết Thanh, năm 2014 người dân tiếp tục đăng ký với ngành chức năng để trồng rừng mới khoảng 200 – 300 ha… Những người trước đây từng bị gọi là “lâm tặc” nay đã tỉnh ngộ và tích cực tham gia bảo vệ rừng.