Buôn bán ngà voi trên mạng xã hội ở Việt Nam còn nhức nhối

Nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân chính đẩy loài voi đến vực tuyệt chủng, ở cả Châu Á và Châu Phi (Choudhury et al., 2008). Theo thống kê, có đến hơn 100.000 voi Châu Phi đã bị giết hại chỉ trong giai đoạn 2010 – 2012 (Wittemyer et al., 2014). Một thống kê gần đây hơn cho thấy mỗi năm có khoảng 20.000 cá thể voi bị giết để lấy ngà (CITES, 2016). Trung Quốc, Hồng Kong và Thái Lan được coi là ba nước có thị trường tiêu thụ ngà voi lớn nhất ở Châu Á (Underwood et al., 2013). Trong khi đó, Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn đang được coi là những nước chính trung chuyển ngà voi đến Trung Quốc (Stiles, 2008; Nijman và Shepherd, 2012). Tháng 11 năm 2016, Chính phủ Việt Nam quyết định tiêu hủy 2,2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác nhằm thể hiện quyết tâm trong việc phòng chống nạn buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD bất hợp pháp. Tuy nhiên, thị trường buôn bán ngà voi ở Việt Nam dường như vẫn còn rất “sôi động”, với sự giúp sức một phần của mạng xã hội.

Ảnh: PanNature

Mạng xã hội và hành vi buôn bán các sản phẩm từ voi

Mạng xã hội đang dần trở thành một thứ không thể thiếu đối với con người hiện đại. Và cũng giống các công cụ trên nền tảng internet khác, mạng xã hội có thể bị lợi dụng để buôn bán và trao đổi những mặt hàng cấm, trong đó có các sản phẩm từ ĐVHD. Với khoảng 30 triệu tài khoản Facebook hoạt động hàng tháng trong khoảng 50 triệu người dùng internet, facebook hiện là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Và việc có thể che đậy danh tính thật khi đăng ký sử dụng facebook đã khiến một số đối tượng biến mạng xã hội này trở thành nơi trao đổi, buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD

Chỉ trong vòng 6 tháng từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016, khảo sát của tổ chức bảo tồn ĐVHD WildAct cho thấy, đã có gần 21.000 sản phẩm từ voi, bao gồm ngà và lông đuôi voi đã bị rao bán trên mạng xã hội. Trong đó, những món đồ trang sức trạm khắc từ ngà voi là sản phẩm được rao bán phổ biến nhất, chiếm đến 69% sản phẩm từ ngà voi được quảng cáo trên Facebook. Đặc biệt, đuôi voi, hoặc lông đuôi voi được quảng cáo trên tất cả những tài khoản Facebook có rao bán ngà voi. 10% số sản phẩm trang sức được làm từ ngà voi có gắn lông đuôi voi, và được quảng cáo là để “cầu may”, hoặc thậm chí “xua đuổi tà ma”.

 

Khảo sát từ các tài khoản facebook có rao bán ngà voi cho thấy đại đa số những chủ tài khoản buôn bán sản phẩm làm từ ngà voi trên mạng xã hội là đàn ông, sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Nhiều người trong số họ vừa khắc ngà voi, vừa trực tiếp buôn bán tại cửa hàng và sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng cáo sản phẩm. Những đoạn hội thoại mở trên facebook cho thấy những kẻ buôn bán ngà voi trái phép này cũng thường xuyên liên lạc với nhau, và sẵn sàng ngã giá để mua được sản phẩm đã qua trạm khắc hoặc ngà voi nguyên khối với giá rẻ.

Phía dưới những dòng quảng cáo và những bức ảnh chụp sản phẩm làm từ ngà voi và các bộ phận khác của voi là những dòng nhận xét của những người có khả năng sử dụng ngà voi. Cuộc khảo sát đã thống kê được tổng cộng 1171 nhận xét.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng đến từ 63/68 tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam, tuy nhiên đại đa số là ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Bản đồ 1: Bản đồ cho thấy phần trăm số lượng người tiêu dùng sản phẩm ngà voi trên mạng Facebook theo các tỉnh.

Dựa vào các giới thiệu về bản thân của các tài khoản facebook và thông tin thu nhập được từ những người trao đổi và bình phẩm về các sản phẩm từ voi được quảng cáo, kết quả cho thấy đại đa số những người sử dụng ngà voi và lông đuôi voi là đàn ông đã lập gia đình và có kỹ năng lao động thấp. Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhân viên nhà nước, những người hoạt động trong quân đội và những người làm quản lý tại những cơ quan, nhà máy chiếm đến 10% tổng số khách hàng tiềm năng mua bán ngà voi. Ngoài ra, tín đồ đạo Phật (một số mua ngà voi khắc tượng phật để thờ cúng và cung tiến cho chùa chiền) cả trong nước và một số nước như Mông Cổ, Thái Lan và Campuchia cũng thường tương tác với những tài khoản buôn bán ngà voi ở Việt Nam.

Theo khảo sát, 95% số tương tác trên những quảng cáo như thế này có nội dung hỏi giá sản phẩm và cách mua., 2,6% cho thấy sự yêu thích, ngưỡng mộ sản phẩm và 2,4% đặt câu hỏi về nguồn gốc (ngà voi Châu Á hay ngà Châu Phi) hoặc chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều đáng nói là không một nhận xét nào cho thấy người tương tác bày tỏ lo ngại về vấn đề voi đang bị giết hại để lấy ngà, hay việc mua bán, trao đổi ngà voi là hành vi bất hợp pháp.

Pháp luật đầy đủ nhưng thực thi còn nhiều khoảng trống

Năm 1994, Việt Nam gia nhập CITES – Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp – được các quốc gia trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức các loài động, thực vật hoang dã. Có ba mức độ bảo vệ được liệt kê dưới Phụ lục I, II và III. Phụ lục I bao gồm các loài động, thực vật hoang dã đang nguy cấp nhất và vì thế, CITES cấm hoàn toàn việc buôn bán, trao đổi trên thị trường quốc tế, với một số ngoại lệ (ví dụ như vận chuyển cho mục đích khoa học). Phụ lục II liệt kê những loài chưa bị nguy cấp nhưng nếu không quản lý đúng mức sẽ bị nguy cấp. Việc buôn bán và vận chuyển quốc tế những loài này qua biên giới cần có giấy phép của CITES. Những loài nằm trong phụ lục III là những loài đang được phép buôn bán và trao đổi, nhưng dưới sự theo dõi sát sao để tránh trường hợp khai thác quá mức. Ngà voi Châu Á và Châu Phi đều nằm trong phụ lục I CITES.

Ở Việt Nam, voi được bảo vệ theo mục IB của Nghị định 32 NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/03/2006 nhằm quản lý tình trạng buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Nghị định này, các loài động – thực vật được chia làm hai nhóm: Nhóm I bao gồm những loài đang đang bị đe dọa nguy cấp và buôn bán, trao đổi với mục đích thương mại bị cấm hoàn toàn. Nhóm II bao gồm những loài được phép trao đổi, buôn bán với mục đích thương mại nhưng cần có giấy phép. Mỗi nhóm lại chia ra thành 2 mục, mục IA, IIA bao gồm thực vật hoang dã, mục IB và IIB bao gồm ĐVHD. Theo Nghị định này, voi và các sản phẩm liên quan đến voi từ tự nhiên bị cấm khai thác, buôn bán, chế biến, sử dụng vì mục đích thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc buôn bán các sản phẩm trên mạng internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng, bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo điều luật áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.

Năm 2016, theo chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Công An đóng vai trò chủ đạo trong việc điều tra và tháo dỡ các hoạt động liên quan đến việc trưng bày, quảng cáo và sử dụng sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ ĐVHD khác trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có nhiều vụ điều tra buôn bán sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội dẫn đến tịch thu và truy tố thành công. Điển hình nhất vẫn là trường hợp tịch thu và truy tố tài khoản của Phan Huỳnh Anh Khoa, 23 tuổi bị lãnh án 5 năm tù giam và nộp phạt 50 triệu đồng do buôn bán ĐVHD được bảo vệ trên mạng xã hội Facebook vào năm 2015.

Mặc dù trong vòng 10 năm qua đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ ĐVHD ở Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát trên mạng cho thấy ngà voi vẫn được rao bán một cách rất công khai. Với nền tảng kinh doanh trên mạng miễn phí, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, Facebook đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt. Ở đó, người mua chỉ cần đặt yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản của kẻ bán, và kẻ bán có thể vận chuyển những sản phẩm này qua đường bưu điện, hoặc thậm chí sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh EMS và FedEx.

Tình trạng phát triển của thị trường này cho thấy nó không được ngăn chặn một cách thích đáng, triệt để từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử, chỉ ngay sau khảo sát nói trên, 45 tài khoản buôn bán ngà voi khác đã được phát hiện, với ước tính khoảng 35.000 sản phẩm từ voi đang được rao bán công khai.

Trong khi đó, không chỉ Facebook mà bất cứ một nền tảng mạng xã hội hay website nào cũng có thể quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD, như Ebay, WeChat, Whatsapp, Viber, Zalo hay các diễn đàn điện tử khác. Đây là một thách thức mới với các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn và kiểm soát tội phạm buôn bán động – thực vật hoang dã được bảo vệ. Vấn đề buôn bán động thực vật hoang dã trên mạng xã hội vì vậy cần được nhìn nhận một cách nghiêm khắc và phải được xử lý triệt để.

Việc thu nhập chứng cứ với hành vi buôn bán động-thực vật hoang dã trên mạng khó khăn hơn rất nhiều, do cả người mua và kẻ bán đều có thể dễ dàng giấu danh tính, có thể buôn bán trên diện rộng và thậm chí là xuyên biên giới. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD, cần có thêm những buổi tập huấn, hướng dẫn và trao đổi giữa lực lượng cảnh sát môi trường Việt Nam với các nước láng giềng đã thành công hơn với công tác điều tra buôn bán động-thực vật hoang dã trên mạng internet, như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Từ đó, Việt Nam có thể học hỏi và ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nhằm phục vụ cho phương pháp điều tra, truy bắt và tố tụng các vụ buôn bán ĐVHD trong nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyen, T. 2016. The social trade network: Facebook’s relationship with wildlife traders in Vietnam. WildAct, Hanoi, Vietnam.
  2. Choudhury, A., Lahiri Choudhury, D.K., Desai, A., Duckworth, J.W., et al. 2008. Elepas maximus. IUCN Red List of Threatened Species. Nguồn: www.iucnredlist.org.
  3. Nijman, V., Shepherd, C. R. 2012. The role of Lao PDR in the ivory trade. TRAFFIC Bulletin 24: 35 – 40
  4. Stiles, D. 2008. An assessment of the illegal ivory trade in Vietnam. TRAFFIC Southeast Asia. Petaling Jaya.
  5. Underwood, F.M., Burn, R.W., and Milliken, T. 2013. Dissecting the illegal ivory trade: an analysis of ivory seizures data. PLoSONE 8, e76539
  6. Wittermyer, G., Northrup, J.M., Blanc, J.M., Doughlas-Hamilton, I., Omondi, P and Burnham, K. P. 2014. Illegal killing for ivory drives global decline in African elephants. PNAS 111 (36): 13117-13121

Nguyễn Trang, Tổ chức WildAct