Thầm lặng những người giữ rừng

Để giữ được khu rừng nguyên sinh trong Vườn quốc gia Cát Tiên với nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm và nhiều loại động vật hoang dã có tên trong Sách đỏ Việt Nam một phần là nhờ sự góp công, góp sức thầm lặng của nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên và cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tân Phú.

Tổ kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên tuần tra, bảo vệ rừng.

Đưa chúng tôi vào Vườn quốc gia Cát Tiên để thực hiện kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng với lực lượng kiểm lâm, Thiếu tá Nguyễn Quang Tảo, Phó trưởng Công an huyện Tân Phú cho biết thời điểm chuẩn bị vào mùa khô như hiện nay, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng đang được địa phương khẩn trương thực hiện.

Mỗi tháng, 26 ngày bám rừng

Trên chuyến đò ngang qua sông Đồng Nai để đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, chúng tôi được các cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên đón chào bằng nụ cười thân thiện. Các cán bộ kiểm lâm kể, có nhiều người sợ hãi khi đi vào rừng nhưng với kiểm lâm viên xa rừng vài ngày đã thấy nhớ rừng như… nhớ người yêu vậy.

Ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp tuần tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bố trí lực lượng chữa cháy tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.

“Bén duyên” với rừng đã được 8 năm, anh Trần Mạnh Hùng (31 tuổi, nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên) thông thuộc mọi hướng đi, lối về trong rừng. Cứ vài ngày, anh Hùng lại vác balo với đầy đủ quần áo, thức ăn, gạo và vật dụng cần thiết rồi cùng với đồng đội lên đường “thăm rừng”. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài vài ngày nhưng có chuyến đi hàng chục ngày mới quay về.

“Chúng tôi cứ đi mãi vào rừng, khi nào đến chỗ có nước thì mới bắt đầu dừng lại và nấu ăn. Anh em thay phiên nhau canh gác suốt đêm trong rừng để vừa đảm bảo an toàn vừa có thể phát hiện các đối tượng xâm phạm rừng. Mùa mưa bị vắt cắn, mùa nắng lại thiếu nước nên mỗi lần đi phải trang bị kỹ thuốc men cũng như trang phục” – anh Hùng bộc bạch.

Mỗi tháng có 30 ngày thì những nhân viên kiểm lâm tại đây đã “làm bạn” với rừng hết 26 ngày, chỉ còn lại 4 ngày được nghỉ về thăm gia đình. Hành trình mang theo của họ chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, ít lương thực, chiếc máy định vị. Công việc khó khăn, vất vả thậm chí nguy hiểm nhưng cán bộ kiểm lâm vẫn bám trụ vì tình yêu với rừng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng Cảnh (28 tuổi, nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên) tâm sự: “Chỉ có tình yêu rừng mới có thể bám trụ được với nghề kiểm lâm vì khi tuần tra cả ngày lẫn đêm trong cánh rừng bạt ngàn luôn đối diện với nhiều nguy hiểm, rủi ro”. Anh Cảnh kể lại, đôi khi cứ mải đi tuần tra và lo quan sát xung quanh mà không biết mình vừa bước qua một con rắn độc.

“Cực nhất vào những ngày trời mưa kéo dài, quần áo mang theo không đủ nhưng chúng tôi vẫn phải dầm mưa làm nhiệm vụ. Đêm xuống, chúng tôi treo võng trên cao nằm nghỉ lấy sức để ngày mai tiếp tục hành trình băng rừng, lội suối” – anh Cảnh cho hay.

Chủ động bảo vệ rừng

Theo Thiếu tá Tảo, thời gian qua công tác phối hợp kiểm tra, truy quét, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên, liên tục phối hợp truy quét các băng nhóm, đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Công an huyện Tân Phú phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên diễn tập phòng, chống cháy rừng.

Điển hình như ngày 8-11, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp cùng Công an huyện Tân Phú bắt Mã Văn Tay (28 tuổi, ngụ xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) vì có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tang vật thu giữ gồm 1 cá thể voọc, 1 khẩu súng tự chế, 6 viên đạn và 41 sợi bẫy. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã xảy ra 99 vụ/129 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có 11 vụ khai thác rừng trái phép, 2 vụ phá rừng, 8 vụ mua bán vận chuyển lâm sản, 12 vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng và một số hành vi phạm khác.

Không chỉ đấu tranh với lâm tặc mà nhiệm vụ phòng chống cháy rừng vào mùa khô được Công an huyện Tân Phú phối hợp cùng Vườn quốc gia Cát Tiên chú trọng hàng đầu.

Lưng áo còn ướt sũng mồ hôi, đôi tay mỏi nhừ sau một ngày diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng (Công an huyện Tân Phú) vừa nghỉ mệt vừa nói: “Phòng chống cháy rừng mùa khô là một nhiệm vụ quan trọng. Mùa khô năm nào chúng tôi cũng diễn tập phòng chống cháy rừng; rà soát các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; bảo dưỡng, bảo trì đúng quy định các trang thiết bị hiện có, đảm bảo lịch trực cháy và sẵn sàng chữa cháy khi có lửa xuất hiện trong rừng”.

Với tay lấy chiếc máy thổi lá khô đeo lên lưng, Thượng ủy Hoàng chia sẻ: “Ở những khu vực dễ xảy ra cháy, cứ vài hôm chúng tôi lại mang máy đi thổi sạch lá khô để tránh trường hợp lửa bén lá khô sẽ gây cháy rừng. Khi người này làm mệt thì người khác sẽ thay phiên nhau mang máy đi thổi lá đến lúc nào sạch thì mới nghỉ. Phải phòng cháy kỹ, chứ nếu để cháy rồi mới chữa thì khó và khổ lắm”.

Để chủ động phòng cháy mùa khô đến, ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết lực lượng kiểm lâm thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết và cảnh báo cháy rừng thông qua website của Cục Kiểm lâm; đồng thời phối hợp với các lực lượng diễn tập phòng cháy, chữa cháy, tuần tra rừng ven sông để sớm phát hiện sự việc kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra. Nhờ chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng nên trong năm 2018 Vườn quốc gia Cát Tiên không để xảy ra vụ cháy rừng nào.