Xây dựng nhà máy điện – Bài 1: Cân nhắc môi trường và hiệu quả kinh tế

Thời gian gần đây, việc xây dựng các trung tâm, nhà máy điện được dư luận rất quan tâm; đặc biệt là các trung tâm nhiệt điện tại khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước, việc lựa chọn xây dựng các nhà máy nhiệt điện thế nào để đảm bảo hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng trong nhiều năm tới mà vẫn đảm bảo môi trường cần phải được xem xét và tính toán một cách chi tiết.

Khu vực này là nơi xây dựng Trung tâm Điện lực Long An. Ảnh: baolongan.vn

Địa phương lo ngại

Theo Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh) giai đoạn 2016-2030, công suất nguồn nhiệt điện than của cả nước sẽ lên tới 55.300 MW vào năm 2030; riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long có 11 dự án, với tổng công suất gần 14.600 MW.

Trong số đó, tại tỉnh Long An có 2 công trình sẽ được xây dựng với tổng công suất 2.800 MW. Nhiều ý kiến đang lo ngại về việc xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than sẽ tiềm ẩn rủi ro cao về ô nhiễm môi trường cho người dân tại tỉnh Long An và các tỉnh thành xung quanh.

Quy hoạch nêu rõ, Trung tâm Điện lực Long An sẽ được xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, với hai nhà máy là Nhiệt điện Long An I, có công suất 1.200 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2024 – 2025 và Nhiệt điện Long An II, công suất 1.600 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2027 – 2028.

Trung tâm đi vào hoạt động sẽ sản xuất khoảng 17 tỷ kWh/năm, cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các tỉnh phía Nam và hệ thống điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, mới đây, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, sau khi tổ chức hội thảo chuyên đề “Quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và công tác bảo vệ môi trường” (vào đầu tháng 8/2018) để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các Giáo sư, Tiến sĩ, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương giữ nguyên quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng đến môi trường.

Cũng theo ông Trần Văn Cần, hiện nay, có một số nhà đầu tư đã liên hệ với UBND tỉnh Long An đăng ký đầu tư nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng tại vị trí dự kiến xây dựng Quy hoạch trung tâm điện lực. UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét, có ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ tỉnh Long An.

Trao đổi về dự án này, GS. TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, khi nói đến nhiệt điện than, hầu như chỉ xem xét mặt kinh tế là chưa đầy đủ và toàn diện. Sinh kế và sức khỏe người dân ít được quan tâm. Bởi, chi phí cho sức khỏe người dân bị tác động do nhà máy nhiệt điện than cũng như chi phí bảo vệ môi trường hiện nay chưa được hạch toán vào chi phí của nhà máy.

Vì vậy, khi xem xét để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nhiệt điện than cần phân tích khách quan và đầy đủ cán cân “được – mất” trên cả ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt sinh kế và sức khỏe người dân.

Cẩn trọng trong chọn lựa

Theo Bộ Công Thương, trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, về nguồn điện, Việt Nam có thủy điện, nhiệt điện (than, khí), năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và điện nhập khẩu từ các nước. Các nguồn điện đảm bảo mục tiêu chính là cung cấp đủ điện, ổn định, an toàn; giá điện hợp lý; đảm bảo môi trường.

Với nhu cầu điện thương phẩm năm 2017 là 174 tỷ kWh, năm 2030 là trên 500 tỷ kWh (gấp 3 lần năm 2017), có thể thấy việc đảm bảo đủ điện là sức ép lớn trong đầu tư nguồn và lưới điện. Trong khi đó, phải đảm bảo giá điện phù hợp với chi phí, năng lực tài chính của người dân, doanh nghiệp, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong các nguồn điện hiện có, Việt Nam có thuận lợi về thủy điện, với giá thành thấp nhất. Đến nay, các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết. Về nhiệt điện khí, vẫn chiếm tỷ lệ 16-17% trong cơ cấu nguồn.

Hiện nay, nguồn khí trong nước, các mỏ đã khai thác dần cạn kiệt, từ 2019-2020 phải tìm nguồn khí bổ sung. Các dự án điện khí thường có giá điện cao, theo tính toán sơ bộ, giá điện trung bình từ 2.300 – 2.500 đồng/kWh. Còn dự án sử dụng khí hóa lỏng (LNG)  nhập khẩu, giá điện hiện khoảng 10 cent/kWh (gấp 1,5 lần nhiệt điện) và luôn phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Đối với năng lượng tái tạo, chủ yếu điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên chỉ tập trung ở một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk… và không đảm bảo ổn định cấp điện do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Theo đó, giá điện năng lượng tái tạo khá cao, chưa tính đến đầu tư bộ lưu trữ điện.

Theo PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, việc xây dựng nhiệt điện ở khu vực phía Nam để đảm bảo cung ứng đủ điện, đáp ứng nhu cầu phát triển cho khu vực này là rất cần thiết.

Vấn đề này đã được các nhà làm quy hoạch tính đến. Nhiệt điện than hiện cho giá thành thấp nhất (sau thủy điện), khoảng 7 cent/kWh, vốn đầu tư thấp 1.500 USD/kWh, khả năng huy động công suất lớn Tmax có thể đạt 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt, nên sản lượng phát điện lớn.

Nhưng đặt ra nhiều lo ngại về môi trường, ông Nghĩa cho rằng, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch nhưng cũng có rất nhiều nhược điểm. Điều này có thể kể đến như: hệ số công suất thấp, chỉ từ 20 – 30% trong khi nhiệt điện là 70 – 80%… Đầu tư nhiệt điện khí cũng vậy, sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), vậy liên quan đến luồng tàu, hầm chứa, bảo quản… giá thành đắt hơn giá nhiệt điện than.

Riêng với dự án Trung tâm nhiệt điện tại Long An nói riêng, phía Bộ Công Thương cho hay, do hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá luồng lạch cần phải làm gì để đảm bảo hoạt động của tàu vận chuyển LNG ? Nếu làm cảng nổi ngoài khơi thì đảm bảo an toàn thế nào, vận chuyển khí ra sao…? nên Bộ này chưa có cơ sở đánh giá để phê duyệt dự án này sử dụng điện khí LNG nhập khẩu như đề nghị của tỉnh.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng khẳng định: “Tôn trọng quyết định của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An trong dự án này”.

“Bộ Công Thương cũng thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy dự án phát triển kinh tế. Theo đó, khi xem xét dự án này, cần cân nhắc đến hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường… Nếu tỉnh tìm kiếm được nhà đầu tư có phương án cụ thể, khả thi, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ vấn đề này và chuyển Trung tâm điện lực sang sử dụng khí hóa lỏng LNG nhập khẩu như đề nghị của tỉnh,” ông Lực cho hay.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện nay, có 3 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy nhiệt điện tại tỉnh gồm 1 nhà đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư của Hàn Quốc và Thái Lan. Nếu được Bộ Công Thương chấp nhận xây dựng nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng thì các nhà đầu tư này sẽ nghiên cứu đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng tại Long An.

Bài 2: Xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo