Sụt lún đất gần hồ bùn đỏ Alumin Nhân Cơ: Khó lường…

Nếu không có sự vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm thì chắc chắn hậu quả sẽ không dừng lại là sụt lún đất.

Mua đất để tránh phải đền bù nếu vỡ hồ?

Những ngày qua, các vết nứt tại thôn 1 (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), gần hồ bùn đỏ Alumin Nhân Cơ tiếp tục bị sụt lún nghiêm trọng, vẫn khu đất từng xảy ra sụt lún năm 2017.

Giải thích về hiện tượng trên vẫn lời giải thích như sự cố năm 2017, đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông khẳng định việc sụt lún đã xảy ra từ năm 2017 và công ty đã khắc phục nhưng năm nay do lượng mưa lớn hơn nên tiếp tục sạt trượt. Và việc sụt lún này không ảnh hưởng gì đến an toàn hồ bùn đỏ, chỉ tác động đến mương thoát lũ ngoại vi.

Không quá bất ngờ trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Phổ – Viện Công nghệ địa chất và khoáng sản (Hội Địa chất Việt Nam) cho rằng đây là sự cố có thể lường trước được.

Theo ông Phổ, từ sự cố tháng 8/2017, bản thân ông đã khẳng định nếu không xem xét rõ nguyên nhân, đổ do ông trời rồi xử lý không đến nơi đến chốn thì chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra, thậm chí nặng nề hơn.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị sụt lún gần hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh Lao động

Ông Phổ phân tích: “Một hồ bùn đỏ chứa chất thải cả nghìn khối treo trên núi nếu không làm kè tốt, tính toán độ dư chấn tác động vào nền đất thì việc ảnh hưởng xung quanh là dễ hiểu.

Còn cứ đổ cho do mưa lớn, thẩm thấu nên dẫn tới sụt lún, 2 lần liên tiếp chung 1 lý do là giải thích luẩn quẩn, thiếu trách nhiệm.

Bởi vốn dĩ khi thiết kế bất cứ dự án nào đều phải tính toán những tác động của thời tiết cực đoan vào công trình, chứ không thể mưa nhiều, nắng nhiều là bị ảnh hưởng”.

Mặt khác, ông Phổ vô cùng bức xúc khi công ty Nhôm Đắk Nông muốn thu hồi toàn bộ diện tích xung quanh làm vành đai và đã được UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đồng ý.

Theo ông, nếu làm tốt, nếu làm an toàn thì không việc gì phải thu mua hết các khu đất xung quanh. Và chắc chắn mục đích chỉ có một đó là nếu có xảy ra vấn đề gì thì không phải đền bù.

“UBND tỉnh có quyền bán đất không, TKV đồng ý là vì sao, trong việc này có lợi ích nhóm hay không?. Lý do mua là vì sao? Tại sao tỉnh bán cho công ty trên? Mua hết thì có ảnh hưởng tới dân không?.

Hơn nữa, phải làm rõ nguyên nhân sụt lún, theo tôi có thể do thiết kế bờ đập ngay từ ban đầu không tốt, nhất là khi kết cấu đất bazan là ngấm nước sẽ bị nhũn ra, nên không thể do thời tiết, trốn tránh trách nhiệm.

Đồng thời phải có các biện pháp đề phòng sự cố xảy ra, riêng với hồ chứa bùn đỏ nếu vỡ chảy từ cao xuống dưới là một hiểm họa khôn lường, bùn đỏ đi tới đâu thì chết tới đó, không thể cứu vãn.

Nhất là khi Tây Nguyên một khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Hiện chưa nước nào trên thế giới có công nghệ xử lý bùn đỏ, chết ngự được xút.

Nếu mà vỡ ra thì nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các dòng sông, con suối trong khu vực, tất cả các diện tích canh tác nông nghiệp, tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa, thời gian để khắc phục là không biết khi nào”, ông Phổ nhấn mạnh.

Tại sao phải đánh đổi?

GS.TSKH Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cũng bức xúc khi lại xảy ra hiện tượng sụt lún tại một địa điểm xã Nhân Đạo tương tự như năm 2017 khi ông từng đưa ra cảnh báo.

Theo ông Bá, chắc chắn lý do không phải do mưa quá nhiều, hay bị thẩm thấu nước nên bị sụt lún. Ở đây, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó lớn nhất là lượng bùn đỏ hiện nay là bao nhiêu, đã quá mức quy định chưa, tổng lượng chung thế nào, nền đất hiện tại có ổn định để chứa tổng lượng đó không?.

Để xác định được điều này cần phải thuê các chuyên gia khoa học, các nhà chuyên môn về sản xuất bùn đỏ đến đánh giá xác định nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố một cách cụ thể.

Việc sụt lún xảy ra liên tục tại một địa điểm không thay đổi, thì chắc chắn nguyên nhân chính chưa được xử lý.

“Nếu không xác định được nguyên nhân để khắc phục thì hệ quả không chỉ dừng lại là sụt lún mà có thể hủy diệt hệ sinh thái của cả một vùng rộng lớn, không chỉ ở Đắk Nông mà còn nhiều tỉnh thành lân cận.

Việc khai thác bauxite vốn dĩ vẫn tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng. Ngay cả những nước có kinh nghiệm, công nghệ hiện đại như Ấn Độ, Australia, Hungary vẫn không thoát khỏi mối hiểm họa, lúc nhận ra sai lầm thì đã quá muộn.

Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước đón nhận hệ quả khó lường của việc sử dụng công nghệ lạc hậu để sản xuất Alumin của Trung Quốc khi làm tại Việt Nam. Trong khi, các nước đang dần dần xóa bỏ các công trình sử dụng kỹ thuật lạc hậu, ngay cả bản thân Trung Quốc, vì xác định sẽ nguy hại lớn tới môi trường thì Việt Nam vẫn dùng.