Xuất khẩu khoáng sản thô: Bộ Tài chính kiến nghị cấm 100%

Cần tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản.

Đó là ý kiến của Bộ Tài chính, trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây.

Theo Bộ tài chính nên nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng chính sách cho xuất khẩu khoáng sản cá biệt. Đối với các loại khoáng sản không cấm thì áp dụng giấy phép xuất khẩu.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần có đánh giá tổng thể về chính sách và tác động đối với khai thác khoáng sản, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ xem xét sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách thuế liên quan.

Kèm theo đó là hàng loạt giải pháp để thúc đẩy khoáng sản xuất khẩu cũng như quản lý nhà nước hiệu quả.

Liên quan tới khai thác khoáng sản, trước đó, trong một quyết định chỉ đạo, Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như vàng,đồng, niken, molipden ở quy mô manh mún, công nghệ lạc hậu, tổn thất tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.


Cần nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô

Ngành này phải nhanh chóng hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo yêu cầu về môi trường và sở hữu công nghệ chế biến sâu mỏ và các loại quặng.

Điều đáng lo ngại, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, cả nước xuất hơn 2 triệu tấn quặng, đạt kim ngạch 101 triệu USD.

Trong số quặng và khoáng sản xuất đi, có 1,5 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 75%).

Trong khi trung bình giá quặng xuất khẩu của Việt Nam ra các nước khoảng 1,16 triệu đồng/tấn thì giá xuất sang Trung Quốc 6 tháng qua chỉ đạt hơn 613.000 đồng/tấn, mức giá rẻ chỉ bằng một nửa.

Điều này là do các loại quặng xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiền chế, thô và là quặng nguyên khai, chưa qua chế biến nên giá rẻ mạt.

Cùng kỳ năm 2017, lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch đạt 59 triệu USD. Số hàng xuất sang Trung Quốc cũng đạt trên 1,1 triệu tấn, chiếm gần 80% tổng lượng bán ra của Việt Nam.

Về vấn đề này, từng trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho biết thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay.

Nó gây ra sự bất bình và cả nỗi buồn cho các nhà khoa học, các nhà kinh tế.

“Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được cái gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý Nhà nước và cả TKV phải giải thích cho rõ.

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau? Phải bảo tồn, gìn giữ tài nguyên, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bán tài nguyên thô, nếu sử dụng thì phải sử dụng hữu ích.

Bán tài nguyên thô đã nguy hiểm, bán rẻ lại càng tai hại hơn. Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây”, GS.TSKH Lê Huy Bá trăn trở.

Đáng lưu ý, GS Bá cảnh báo về tham vọng độc quyền khoáng sản quý của Trung Quốc nhằm kiểm soát thị trường thế giới.

Cách làm của họ là thâu tóm các mỏ trên thế giới, sử dụng nguồn cung độc quyền như một công cụ điều khiển giá cả, đồng thời ép buộc các công ty lớn phải đầu tư tại Trung Quốc để đổi lấy nguồn nguyên liệu quý giá này.

Từ những mối nguy trên, GS.TSKH Lê Huy Bá Cân nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam không thể cứ đào, xúc, hút mãi tài nguyên rồi đem bán.

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, cách quản lý khoáng sản đang được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) – đơn vị xuất phát từ công ty than, quản lý khoáng sản là không hợp lý.

Mà tài sản lớn của quốc gia lẽ ra phải giao cho đơn vị địa chất, tức mỏ và luyện kim.

Đã đến lúc, phải ngừng lại việc chỉ nghĩ đến chuyện bán sản phẩm được chế biến từ quặng hay xuất quặng tinh. Cần phải hạn chế và tiến tới cấm xuất thô vì xuất thô có giá rẻ mạt, thu không được bao nhiêu tiền.