Dự án xử lý rác thải thành năng lượng đầu tiên ở châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/8, Reppie – cơ sở xử lý, biến rác thải thành năng lượng đầu tiên của châu Phi – đã đi vào hoạt động tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Cơ sở xử lý rác thải Reppie được đầu tư xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn của Chính phủ Ethiopia, có công suất dự kiến khoảng 1.400 tấn chất thải rắn mỗi ngày. Chủ thầu xây dựng công trình là công ty Kỹ thuật Điện quốc gia Trung Quốc (CNEEC).

Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome cho biết đầu tư vào các dự án năng lượng là rất quan trọng và cần thiết để nước này hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình và có nền công nghiệp thân thiện môi trường vào năm 2025.

Rác thải nhựa. Ảnh minh họa. (Nguồn: wearesalt.org)

Sự lớn mạnh của ngành năng lượng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Phi này trong vài năm gần đây.

Cung cấp điện là vấn đề đặc biệt cần thiết khi nền kinh tế đang có bước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cũng theo Tổng thống Teshome, Ethiopia đã đầu tư rộng rãi vào các loại hình sản xuất điện, trong đó tập trung vào các loại năng lượng sạch, tái tạo như thuỷ điện, địa nhiệt điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và điện sinh khối. Dự án Reppie sản xuất điện từ rác thải là một phần của chiến lược kể trên.

Chính phủ Ethiopia hy vọng dự án này sẽ biến rác thải đô thị – vốn tăng nhanh liên tục thời gian gần đây – thành các lợi ích và cơ hội kinh tế.

Theo Chủ tịch CNEEC Zhang Yanfei, cơ sở này là một bước tiến lớn giúp cải tạo môi trường và giúp Addis Ababa – thành phố với 4 triệu dân – ngày càng sạch và thân thiện mới môi trường.

Nhà máy này là cách tốt nhất giúp Chính phủ Ethiopia giải quyết đồng thời nhiều vấn đề, vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải, vừa mang lại những hiệu quả kinh tế và cung cấp nguồn điện ổn định cho thành phố.

Nguồn: