Tuổi già “không nhàn” ở ven sông

Nhiều người già sống dọc hai bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long không có tuổi xế chiều êm ả khi phải đối mặt với sự sạt lở, cô đơn và đói nghèo.

Phường Thới An là điểm sạt lở mạnh nhất của thành phố Cần Thơ, với 7 căn nhà bị nhấn chìm, 14 căn sập một phần, 20 căn phải di dời khẩn cấp.
Trên 80% số người di cư nằm trong độ tuổi từ 18-34, độ tuổi hoạt động tích cực nhất về kinh tế. Nếu mở rộng biên độ tuổi thì khoảng 90% số người di cư có tuổi từ 18 đến 44.(Nguyễn Thị Phương Thảo, nghiên cứu “Từ nông thôn ra thành phố – tác động kinh tế – xã hội của di cư ở Việt Nam” – Nhà xuất bản Lao động, năm 2011)

Bà Nguyễn Thị Út, 66 tuổi, sống một mình ngay sát kênh Quan Chánh Bố, gần một thập kỷ dù sạt lở ven sông đã tiến sát đến nhà. Con kênh này có một đầu nối với sông Hậu. Kênh chạy dọc đến điểm giao của thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) rồi đổ ra biển ở chỗ giữa hai xã sạt lở bờ biển nặng của tỉnh – xã Trường Long Hòa và xã Hiệp Thạnh.

“Tôi mất 1-2 công đất do sạt lở, còn lại thì bán hết để chữa bệnh cho chồng,” người phụ nữ ở ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, vừa khóc vừa kể chuyện: “Năm nào cũng lở, lở do sóng to vì tàu vào nhiều. Tôi không đi đâu vì mộ chồng tôi chôn cạnh nhà. Ông ấy không muốn chôn ở đâu khác”.

Bà Út có tám người con nhưng hầu hết đều di cư đến làm việc ở các thành phố khác (Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vũng Tàu..). Ba người con thỉnh thoảng gửi về khoảng 500.000 đồng/tháng. Năm người con khác không thể gửi vì nghèo. Do đó, bà Út đành quen bữa no bữa đói và sống dựa vào tiền trợ cấp Nhà nước 70.000 đồng – 80.000 đồng/tháng.

Nhữn người trẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng bỏ quê để làm việc lâu dài ở các thành phố lớn.

“Chúng ở chung với tôi thì lấy gì mà ăn. Tôi không có đất cho con nên con phải đi làm. Chỉ đến ngày lễ Tết, các con mới về,” người phụ nữ có khuôn mặt buồn, mỗi khi nói lộ ra hai chiếc răng vàng nhạt nằm xiên xẹo, tâm sự: “Ban đêm, tôi khóc suốt vì chết cũng không ai hay.” Hai năm trước, bà Út gắng sức trông trẻ nhưng sau đó, phải bỏ vì không còn sức đi lại.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, tính đến tháng 3/2018, hiện có hơn 94.000m2 dọc bờ kênh Quan Chánh Bố thuộc huyện Duyên Hải và Trà Cú bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến 172 hộ dân.

Đôi vợ chồng già Phan Văn Thanh và Lục Thị Bình sống cạnh sông Ô Môn (thành phố Cần Thơ), đổ ra sông Hậu. Trong tháng 5, sạt lở liên tục diễn ra và ngày 10/5, ông bà chứng kiến nhà hàng xóm biến mất trong nước và sân nhà mình cũng nứt toác. “Cuộc sống hoàn toàn bị ảnh hưởng, chúng tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị,” ông Thanh, xấp xỉ 60 tuổi, ở phường Thới An, chậm rãi nói: “Đêm nằm ngủ cũng không yên vì lo lắng.”

Nhiều năm nay, các con ông bà học và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Chỉ có ngày lễ Tết mới về thăm bố mẹ. “Các cháu gọi điện hỏi thăm khi nghe tin nhà bị sập một phần,” bà Bình kể: “May có người cháu và hàng xóm cạnh nhà giúp chúng tôi dọn nhà.”

Do sạt lở bờ sông ở phường Thới An, bà Bình và ông Thanh dọn hết đồ vào gian bếp để tiện sinh hoạt.

Phường Thới An là điểm sạt lở mạnh nhất của thành phố Cần Thơ, với 7 căn nhà bị nhấn chìm, 14 căn sập một phần, 20 căn phải di dời khẩn cấp.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2018, thành phố xảy ra 9 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 37 căn bị ảnh hưởng, tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở 368 m, thiệt hại hơn 31 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (bế cháu) chăm sáu cháu nội, ngoại khi các con đi làm xa.

Ở cù lao Tân Lộc, nằm trên sông Hậu, cách phường Thới An khoảng 30km, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, 64 tuổi, có năm người con nhưng chỉ còn cô út sống cùng. Do nhà không có đất, việc làm ở quê cũng hiếm nên tám người con (hai con trai, hai con gái và bốn dâu rể) đều đi làm ở Bình Dương, từ 7-8 năm nay. Họ nhờ bà trông nom 6 cháu nội ngoại.

“Các cháu ở nhà thì đói vì không có việc.” người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu và cởi mở kể: “Tôi cũng chán vì ngày nào cũng phải chăm cháu.” Năm 2016, sạt lở sông diễn ra mạnh ở cù lao Tân Lộc do khai thác cát bừa bãi. Đến nay, tình trạng lở đã giảm nhưng vẫn còn.

Khai thác cát, sỏi dọc theo hai bờ góp phần gây ra sạt lở sông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Báo cáo tháng 5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, trong đó có 26 vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 65 km.

Sạt lở sông được xác định do nhiều nguyên nhân như khai thác cát sỏi bừa bãi, xây dựng các công trình kiên cố nhiều, sụt lún đất, phá rừng, … trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường ở ĐBSCL như PGS – TS Lê Anh Tuấn, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện khẳng định việc sạt lở còn do “đói” phù sa và cát vì những vật chất củng cố sự bền vững của ĐBSCL bị các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkong giữ lại.

Nhiều người trẻ trong độ tuổi lao động ở cù lao Tân Lộc (thành phố Cần Thơ) đều đi làm xa, để lại con nhỏ cho bố mẹ già.

Những người già như bà Út, ông Thanh, bà Bình và bà Hoa không biết nhau nhưng họ chia sẻ nhiều điểm chung. Đó là cùng gánh chịu hậu quả sạt lở khi đời họ phụ thuộc vào các con sông. Tuổi già của họ không yên khi canh cánh nỗi lo đói nghèo và rủi ro rình rập.

Số lượng người di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1984 – 2014. (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Trong nghiên cứu “Từ nông thôn ra thành phố – tác động kinh tế – xã hội của di cư ở Việt Nam”, hai tác giả Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm chỉ ra thực tế: Các lao động chính và còn trẻ đi di cư có thể tạo ra gánh nặng về công việc nhà cho người già và trẻ em. Thực tế đó đang diễn ra ở vựa lúa cả nước.

Ngoài ra, việc di cư này còn dẫn đến tình trạng lão hóa và nghèo hóa ở những địa phương mà họ ra đi. Những người già thường nằm trong diện khó thoát nghèo vì họ không còn khả năng kiếm sống và không nhận được sự trợ giúp bền vững từ con cái.