Hội nghị thường niên lần thứ 7 của Diễn đàn CSO về Lâm nghiệp Xã hội ASEAN

Hôm nay Hội nghị thường niên lần thứ 7 của Diễn đàn CSO về Lâm nghiệp Xã hội trong ASEAN đã được khai mạc tại Đà Nẵng. Diễn đàn được tổ chức trong hai ngày 24-25/6/2018 với chủ đề “Duy trì các hoạt động và các đóng góp mang tính hợp tác, sáng tạo, lấy con người làm trung tâm trong Chương trình Đóng góp do quốc tự xác định NDC và các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Từ khi thành lập năm 2012, Diễn đàn các tổ chức xã hội (Diễn đàn CSO) tại ASEAN đã trở thành nền tảng để các cộng đồng địa phương, các tổ chức của người dân tộc thiểu số và các tổ chức xã hội truyền đạt những thông điệp cốt lõi đến các quốc gia thành viên ASEAN thông qua Nhóm Công tác về Lâm nghiệp Xã hội (AWGSF).

Ảnh: PanNature

Diễn đàn được xem như một sự kiện thường kỳ trước Hội nghị AWGSF và các hội thảo thường niên khác của AWGSF. Đây là nỗ lực xây dựng một nền lâm nghiệp lấy con người làm trung tâm tại ASEAN, đặc biệt thông qua việc chia sẻ các bài học chính sách và kinh nghiệm thực địa về chủ đề Kinh tế và sinh kế cộng đồng, Quyền hưởng dụng và tiếp cận rừng, Các cơ chế quản trị và đảm bảo an toàn.

Trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 7, Diễn đàn CSO sẽ rà soát các thành quả và những mục tiêu, kế hoạch, đặc biệt trong 3 năm qua khi Diễn đàn CSO bắt đầu có nhiều thông điệp mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào AWG-SF. Đồng thời, Diễn đàn sẽ cố gắng rà soát các khuyến nghị và nêu ra các thành quả đạt được cũng như xác định khoảng cách cần khỏa lấp ở cấp quốc gia.

Chương trình Diễn đàn CSO cũng sẽ tham gia đóng góp vào Hội nghị do ASFCC tổ chức với chủ đề “Khai thác tiềm năng của nông lâm nghiệp vì một ASEAN thịnh vượng và có khả năng thích nghi” vào ngày 26/6/2018 tại Đà Nẵng.

Diễn đàn được phối hợp tổ chức bởi Chương trình trao đổi các sản phẩm ngoài gỗ Châu Á, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Nhóm Công tác quốc gia Diễn đàn CSO về Lâm nghiệp Xã Hội, Trung tâm vì sự Phát triển bền vững Miền núi (CSDM), FORLAND và Liên minh Cộng đồng dân tộc bản địa châu Á (AIPP), với sự hỗ trợ từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ thông qua chương trình ASFCC, Quỹ McKnight, Dự án Quản trị Đất đai vùng sông Mê Công (MRLG), Chương trình Tiếng nói vì rừng Mê Công (V4MF) của Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC), cùng hỗ trợ từ Tổ chức NORAD.

PanNature