FLC làm du lịch trên Lý Sơn: Thành viên UNESCO nói gì?

Dự án xây dựng trên di sản địa chất không chỉ là câu chuyện của cả Quốc gia, cần cân nhắc nhiều yếu tố để không bị ảnh hưởng.

Ngày 27/4/2018, trao đổi với Đất Việt về việc Tập đoán FLC đang chuẩn bị xây dựng quần thể du lịch Bình Châu – Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO cho rằng, cần có bản đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng về dự án để cân nhắc quyết định xem có đồng ý cho FLC làm hay không.

Ông Trí cho biết, Lý Sơn – Quảng Ngãi đang được quy hoạch làm Công viên địa chất toàn cầu, dự định đến cuối năm 2018 UNESCO sẽ tới kiểm tra, thẩm định. Về phía các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu suốt 1 năm qua để hoàn thiện hồ sơ gửi tới UNESCO.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO.

“Cho đến thời điểm hiện tại, UNESCO chưa công nhận Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu nên việc Tập đoàn FLC muốn đầu tư xây dựng quần thể du lịch Bình Châu – Lý Sơn là câu chuyện Quốc gia, của riêng Việt Nam, phía UNESCO không can thiệp. Nhưng khi đã trở thành Công viên địa chất toàn cầu rồi thì UNESCO sẽ có ý kiến” – ông Trí nói.

Ông Trí nhắc đến câu chuyện di sản Tràng An – Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản thế giới nhưng bị xâm hại bằng hoạt động xây dựng của con người. Khi biết được thông tin này, UNESCO đã thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm của mình.

Trước thông tin dự án của Tập đoàn FLC đang tiến triển nhanh “thần tốc”, được tỉnh Quảng Ngãi dốc sức ủng hộ khiến ông Trí quan ngại. Ông Trí bày tỏ: “Một dự án lớn mà tiến triển nhanh bất thường so với các dự án khác thì việc người dân, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn là đúng. Nhưng cần nhất là phải có bản đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án thì mới các thể xác định được mức độ ảnh hưởng của dự án tới môi trường, tới Công viên địa chất toàn cầu”.

TS Nguyễn Đại Chung – Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho rằng, với một dự án thuộc vùng di sản địa chất thì cần phải đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng trước khi xây dựng.

“Muốn dự án đó có được phê duyệt hay không thì chắc chắn phải có sự đánh giá tác động môi trường của các nhà khoa học, các cơ quan ban ngành. Một dự án lớn không thể tiến hành nhanh, vội vàng được” – ông Trung cho biết.

Trong khi đó, tại thông  báo kết luận ngày 18/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất ngày khởi công dự án là ngày 19/5/2018. Còn người dân địa phương mới chỉ có 2 cuộc họp để nghe về dự án này.

Người dân thích khám phá Lý Sơn bởi vẻ đẹp hoang sơ.

Trao đổi thêm với Đất Việt, ông Nguyễn Minh Hùng – Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho biết, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội… nên sẽ kích thích du khách quốc tế tới thăm quan.

Theo ông Hùng, huyện Lý Sơn – Quảng Ngãi đang là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ. “Người ta thích đến Lý Sơn bởi vẻ đẹp hoang sơ, được hòa mình vào thiên nhiên và con người bản địa. Nếu bị thương mại hóa thì có lẽ chỉ một bộ phận khách (có điều kiện kinh tế) tới đây trong thời gian tới, hoặc ước mơ khám phá thiên nhiên của nhiều người sẽ bị hạn chế” – ông Sơn quan ngại.

Ông Sơn cho rằng, việc phát triển thương mại – dịch vụ tại Lý Sơn là cần thiết nhưng cũng không nên “bất chấp” hay quá vội vàng mà để vuột mất danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu để rồi người dân địa phương phải chịu những thiệt hại không thể tính đếm, chỉ có FLC là được lợi.