Sao cứ móc tài nguyên lên bán rẻ mạt?

Ngành than vừa “lập kỷ lục” khi nhập siêu tới 1,2 tỉ USD trong năm 2017. Trong khi đó, dù dư thừa 25 trỉệu tấn ximăng và giá bán “chỉ bằng một nửa Indonesia”, ngành ximăng vẫn tiếp tục sản xuất, tiếp tục bán rẻ. TS Nguyễn Dình Cung đã đặt vấn đề cực chuẩn: Có phải tài nguyên đang bị khai thác và sử dụng rẻ khi mà giá xuất khẩu chỉ bằng mot nửa của Indonesia.

Khai thác quặng mỏ. Ảnh: VietnamBiz

Nhận xét của TS Cung, một thành viên trong tổ công tác của Thủ tướng, được đưa ra trong buổi Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với VICEM.

Càng nghĩ càng thấy vô lý: Vẫn dư thừa, tới 25 triệu tấn, nhưng vẫn tăng sản lượng. Giá bán chỉ rẻ bằng nửa Indonesia hay Philippines mà vẫn cứ bán?

Phải chăng vì tài nguyên là của chung nên cứ đào lên bán, bất chấp đắt rẻ, bất chấp lời lãi, bất chấp thực tế nó không phải là cái mỏ không đáy, không phải là nồi cơm Thạch Sanh (?!)

Hôm qua, Viện trưởng Viện Kinh tế VN – TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong phát triển kinh tế đang có câu chuyện “đánh đổi”. “Đặc biệt là những ngành khai thác tài nguyên như VICEM chắc chắn là đánh đổi cực kỳ lớn”. Đánh đổi ở chỗ giá cực thấp nhưng vẫn buộc phải bán. Đánh đổi là vì chủ yếu xuất khẩu tài nguyên thô. Và sự đánh đổi không phải là câu chuyện riêng của VICEM.

Bài học nhãn tiền chính là ngành than. Cũng hôm qua, báo chí đưa ra một con số giật mình. Nhập siêu ngành than đã lên đến mức kỷ lục, đã vượt ngưỡng 1,2 tỉ USD. Trong khi tính từ đầu năm 2018 tới ngày 15.3.2018, đã có hơn 3 triệu tấn than, với trị giá 384 triệu USD, được nhập khẩu vào Việt Nam.

Như vậy, không còn là nguy cơ nữa, Việt Nam, một đất nước mà tài nguyên giàu có đến mức mỏ lộ thiên, giờ đã trở thành quốc gia nhập siêu. Liệu có cách giải thích nào hợp lý cho tình trạng giá than quốc tế chỉ 50-54 USD/tấn, nhưng chúng ta lại nhập từ Trung Quốc với giá 71 USD/tấn?

Huống chi trong con số 1,2 tỉ kinh khủng kia còn ẩn chứa sự bất ổn, ẩn chứa sự lãng phí kép khi lượng than nhập chủ yếu cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép và chính… ximăng.

Chính phủ không phải không nhìn thấy điều đó. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu VICEM “phải nghĩ tới việc tiết kiệm tài nguyên của đất nước khi núi đá vôi chỉ có hạn, tài nguyên chỉ có hạn”. Mà cách tiết kiệm tốt nhất là chia sẻ nguồn lực tài nguyên cho khu vực kinh tế phi nhà nước. Bởi cũng chính Bộ trưởng Dũng đã nhìn thấy: “Để sản xuất 3,6 triệu tấn ximăng, một DN VICEM cần tới 1.500 lao động, trong khi một Cty liên doanh chỉ cần 1.000 người”.

Nguồn: