Thử nghiệm thành công vắc-xin chống ung thư trên động vật

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển một loại vắc-xin chống ung thư. Vắc-xin này có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh ung thư ở những con chuột, khi chúng được biến đổi gien để phát triển một loạt khối u khác nhau. Loại vắc-xin mới hoạt động không giống như vắc-xin thông thường. Thay vì tiêm phòng để ngăn ngừa mắc bệnh, các nhà khoa học tiêm trực tiếp vào vị trí khối u.

Những con chuột trong phòng thí nghiệm được cấy ghép u lympho ở hai vị trí trong cơ thể hoặc được biến đổi gien để phát triển ung thư vú. Trong số 90 con chuột mắc u lympho, 87 cá thể đã khỏi hoàn toàn. Loại vắc-xin mới cũng có hiệu quả trên những con chuột bị biến đổi di truyền để phát triển ung thư vú. Vắc-xin mới sẽ sớm được thử nghiệm trên 15 người bệnh bị u lympho cấp thấp. Nếu kết quả khả quan, vắc-xin sẽ được sử dụng để điều trị các khối u trong tương lai trước khi phẫu thuật cắt bỏ, giúp ngăn ngừa di căn hoặc tái phát.

Phương pháp tăng tốc độ sinh trưởng cho cây

Các nhà khoa học tại Trường đại học Sydney, Ðại học Queensland và Trung tâm John Innes (Ô-xtrây-li-a) đang phát triển phương pháp mới giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Nhóm nghiên cứu đã trồng thử nghiệm một số loại cây trong nhà kính dưới đèn LED hoạt động liên tục, phát ra ánh sáng với bước sóng nhất định để thúc đẩy quá trình quang hợp. Kết quả, thu hoạch được sáu vụ lúa mì, đậu gà, đại mạch và bốn vụ cải dầu chỉ trong một năm thay vì chỉ trồng được hai hay ba vụ trong nhà kính và một vụ ngoài cánh đồng. Nhóm nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này cũng hiệu quả với cây lạc, rau dền, đậu lăng và hy vọng sẽ áp dụng được với hoa hướng dương, hồ tiêu, củ cải. Phương pháp mới không chỉ giúp tăng năng suất mà còn tạo ra những cây trồng chất lượng tốt mà không sử dụng công nghệ biến đổi gien. Phương pháp này đang thu hút sự quan tâm từ một số công ty nông nghiệp trên thế giới.

Chữa cận thị, viễn thị bằng thuốc nhỏ mắt

Các bác sĩ nhãn khoa I-xra-en đã thử nghiệm thành công thuốc nhỏ mắt chữa cận thị trên động vật. Thuốc được thử nghiệm trên lợn và thu được kết quả khả quan. Theo đó, phần giác mạc bị tổn thương đã được chữa lành và những chú lợn trong thử nghiệm đều tăng thị lực. Vào cuối năm 2018, loại thuốc này sẽ được thử nghiệm trên người. Nếu thành công, đây có thể là giải pháp hữu hiệu giúp những người mắc tật khúc xạ không phải đeo kính.

Nguồn: