Hơn 20 năm sống cùng ô nhiễm

Hơn 20 năm qua, hàng trăm hộ dân tại khu phố 3,4 thuộc phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa luôn phải sống chung với cảnh ô nhiễm nghiêm trọng do Cty Kinh doanh than Thanh Hóa gây ra. Hậu quả là nhiều người đã mắc phải các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Hoạt động chế biến than của Cty Kinh doanh than Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sống chung với bụi than

Theo phản ánh của người dân thuộc hai khu phố 3,4, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa về tình trạng ô nhiễm bụi than tại khu cảng Lễ Môn, chúng tôi đã có mặt tại đây. Trên đoạn đường được rải đá cấp phối dài chưa đến 1km, chạy trước mặt khu cảng Lễ Môn bị bao phủ bởi một lớp bùn màu nâu đen nhầy nhụa. Xung quanh, khắp các ngọn cây, mái nhà cũng đều bị bao phủ bởi một lớp bụi than dày, nước mưa chưa thể gột sạch…

Ông Lưu Doãn Sửu – một người dân tại khu 4, phường Quảng Hưng không giấu được sự mệt mỏi của mình, cho biết: Tình trạng ô nhiễm do hoạt động kinh doanh than trong khuôn viên của Cty Kinh doanh than Thanh Hóa diễn ra trong suốt hơn 20 năm qua. Than được Cty này đưa về tập kết, chế biến thành các sản phẩm than cám, than tổ ong, than đá, sau đó mới đưa đi tiêu thụ.

Than được họ đổ cao như núi và che bạt rất sơ sài. Các núi than chỉ được ngăn cách với khu dân cư một bức tường cao chưa đầy 1,5m. Mùa nắng, khi Cty tiến hành đảo phơi, nghiền than, bụi than bay đen cả một vùng, hàng trăm hộ dân phải đóng cửa chịu đựng, trẻ con phải di dời đến nơi khác trú tạm, quần áo giặt xong không dám đem phơi ra ngoài, bát đũa vừa rửa xong buổi trưa thì buổi chiều phải đem rửa lại trước khi ăn vì bụi than bám đen đặc…

“Khổ nhất là người già như tôi và trẻ nhỏ, không ai không mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phổi ”– ông Sửu bức xúc nói. Đồng thời, ông Sửu cũng cho biết thêm: Ngay hàng xóm của ông là hộ ông Lưu Doãn Hồng có đứa cháu ngoại mới được hơn 5 tuổi nhưng cũng đã bị viêm phổi nặng.

Cùng chung hoàn cảnh với các hộ dân nêu trên, bà Lưu Thị Tính – trú tại khu phố 4, cho biết: Cty kinh doanh than thường tiến hành đảo, phơi và chế biến than vào các ngày Thứ 7, Chủ nhật nhằm tránh sự chú ý của chính quyền và các cơ quan chức năng.

“Nhiều hôm không chịu được bụi than, tôi đã phải sang trực tiếp yêu cầu họ tạm dừng sản xuất… Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, gửi đến các cấp, ngành kêu cứu. Thực tế cũng đã có nhiều đoàn thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng trên tỉnh, truyền hình, báo chí về làm việc, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng!” – bà Tính bức xúc.

Chính quyền bất lực?

Tại buổi làm việc với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Danh Chế – Phó Giám đốc Cty kinh doanh than Thanh Hoá cho biết: Do nhu cầu thực tế, Cty CP Cảng Thanh Hóa đã cho Cty Kinh doanh Than Thanh Hóa thuê lại hơn 3.000m2 diện tích trong khuôn viên cảng để hoạt động trong hơn 20 năm qua, hợp đồng thuê mặt bằng được ký kết năm một. Về tình trạng ô nhiễm, ông Chế cũng thừa nhận là phía Cty kinh doanh than trong quá trình sản xuất có gây bụi nhưng không nhiều như dân kêu và lâu nay cũng đỡ hơn vì Cty tiến hành tưới nước mỗi ngày từ 3- 4 lần.

“Hiện tại phía Cty than đang tiến hành tập kết và sản xuất tại 3 trạm nhưng tình hình này, chúng tôi sẽ rút lại một trạm gần khu dân cư để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm!” – ông Chế cho biết.

Vì sao tình trạng ô nhiễm bụi than tại khu cảng Lễ Môn đã xảy ra đến hơn 20 năm nay mà vẫn không được xử lý? Trả lời cho câu hỏi này, ông Đàm Khắc Chương – Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng cũng không giấu được sự bức xúc, ông Chương cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường dân sinh tại khu vực Cty Cảng Thanh Hóa là khá nghiêm trọng. Hiện trong khu vực Cty Cảng quản lý có đến 5 Cty khác đang thuê lại để sản xuất nhưng gây ra tình trạng ô nhiễm chính vẫn là do phía Cty kinh doanh than Thanh Hoá.

Mới đây nhất, ngày 17/11/2017, UBND phường Quảng Hưng đã mời 5 Cty trên lên làm việc, yêu cầu họ phải có biện pháp xử lý để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. UBND phường cũng yêu cầu đến ngày 25-11-2017, các đơn vị trên phải báo cáo kết quả thực hiện… Tuy nhiên, các Cty này chỉ làm qua loa để đối phó.

“Cái khó nhất hiện nay là thẩm quyền của cấp phường có hạn trong việc xử lý các vi phạm về môi trường. Chúng tôi đang tiếp tục báo cáo lên Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa để xin phương án xử lý, thậm chí là đề xuất phải xử lý mạnh tay đối với các trường hợp cố tình gây ô nhiễm môi trường!” – ông Chương cho biết thêm.