Huyện Xí Mần (Hà Giang): Cần chấn chỉnh ngay hoạt động thi công thủy điện ảnh hưởng đến môi trường sông Chảy

Thời gian qua, tình trạng đất, đá bị sạt lở, chảy xuống dòng sông Chảy đã gây nên tình trạng bồi lắng, hẹp dòng chảy trên địa bàn tỉnh Hà Giang là khá lo ngại. Nguyên nhân chủ yếu là do các Cty thi công, đầu tư xây dựng thủy điện đang ồ ạt đào xới. Với lý do “tiến độ, trọng điểm”, các đơn vị này đang tàn phá môi trường một cách khốc liệt cùng với đó là sự thờ ơ đến khó hiểu của lãnh đạo địa phương. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng tài nguyên môi trường, Cảnh sát môi trường ở đâu? Hay phó mặc cho thiên nhiên, chỉ biết “lĩnh lương” mà quên nhiệm vụ…

Hiện trạng xây dựng thủy điện Sông Chảy 6.

Cốc Pài chìm trong ô nhiễm

Trong một ngày ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang, phóng viên được “mục sở thị” tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây mà người dân đang phải gánh chịu. Hàng đoàn xe tải lớn nhỏ của Cty TNHH Sơn Lâm, có địa chỉ tại tổ 1, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang, MST: 5100104227, do ông Phạm Công Nhân làm chủ doanh nghiệp đang cày xới, phá nát môi trường thị trấn. Đoàn xe này chủ yếu phục vụ cho công tác vận chuyển đất đá đổ thải, thi công bê tông phục vụ cho Dự án nhà máy thủy điện Sông Chảy 6, đóng trên địa bàn thị trấn Cốc Pài.

Trao đổi với phóng viên, Chị Nguyễn Thị Thân, làm nghề bán thịt ở chợ Cốc Pài cho biết: Hàng ngày, đoàn xe tải hạng nặng chở đất đá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con. Bụi mù mịt khiến cho người dân thị trấn, sinh sống đầu khu vực cầu Cốc Pài luôn lo lắng, hoảng sợ. Cứ đi ra đến đường, về nhà là đầu tóc “trắng tinh”, người nhơm nhớp bẩn. Chẳng biết bao giờ người dân thị trấn Cốc Pài thoát được nạn này.

Ông Trần Văn Hoan, một người dân khác thì “tố”, chúng tôi rất lo lắng bởi nạn đổ đất thải xuống vệ sông, ngay khu vực đang xây dựng nhà máy thủy điện Sông Chảy 6. Đất đá cứ xô nhau chảy xuống sông như vậy mà không có ai giám sát, nhắc nhở gì cả. Các nhà thầu xây dựng thủy điện tự cho mình cái quyền hủy hoại dòng sông sao? ông Hoan lập luận.

Biện pháp thi công ở đây dường như không có, không biết cái báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào mà lại làm ăn như vậy? Đã đến lúc các cơ quan của Trung ương nên vào cuộc và xử lý nghiêm, thay vì những lời nói “sáo rỗng”, ông Hoan thẳng thắn chia sẻ.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên nhận thấy những tố cáo của người dân địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại thị trấn Cốc Pài là có thật. Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trấn này lúc nào cũng ngập trọng bụi. Lúc trước thì do các nhà thầu thi công xây dựng Cầu Cốc Pài gây ra. Còn hơn năm nay là do Cty TNHH Sơn Lâm, do ông Phạm Công Nhân làm đại diện gây nên. Việc thi công này, đáng ra phải làm giảm thiểu ô nhiễm khói bụi như phải có xe tưới nước thường xuyên, phải có điểm đổ thải nghiêm túc để tránh gây ảnh hưởng, nhưng tất cả đều là con số không…

Trách nhiệm thuộc về ai

Qua điều tra, phóng viên được biết Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Sông Chảy 6 mới được UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận chủ trương điều chỉnh công suất lắp máy, tổng mức đầu tư và diện tích đất sử dụng. Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận điều chỉnh công suất lắp máy của dự án từ 11MW lên 16 MW; điện năng trung bình năm từ 44,301 triệu kWh lên 57,21 triệu kWh; đồng thời, chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ hơn 301 tỷ đồng lên hơn 565 tỷ đồng; diện tích đất sử dụng của dự án từ 56,396ha lên 67,65ha. Trong phê duyệt trước đó thì Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Sông Chảy 6 nằm trên sông Chảy, thuộc địa bàn thị trấn Cốc Pài và xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Dự án do Cty CP Thủy điện Sông Chảy 6 (trực thuộc Cty TNHH Sơn Lâm) đầu tư với thời gian thi công từ năm 2017 – 2018. Cty CP Đầu tư South Thăng long là nhà thầu chính đảm nhiệm thi công các hạng mục: Đập dâng vai phải, đập dâng vai trái, đập tràn, cửa nhận nước và một số hạng mục quan trọng khác của dự án… Bởi vậy, nếu chịu trách nhiệm chính trong nạn ô nhiễm môi trường tại đây chính là chủ đầu tư và các nhà thầu đang thi công thủy điện.

Rộng đường dư luận, phóng viên đến UBND huyện Xí Mần để đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng Cty TNHH Sơn Lâm đổ đá thải xuống ven sông, cũng như việc hàng loạt các doanh nghiệp khác đang thi công thủy điện ở xã Nấm Dẩn… đang gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện cùng hàng loạt vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên trình bày các vấn đề trên, ông Hoàn – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Xí Mần cho biết: Hiện tại huyện có 3 thường trực thì đều đi vắng, có gì lúc khác quay lại…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của Cty TNHH Sơn Lâm – Hà Giang trong việc bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.