Bế tắc giải quyết vụ lấn chiếm đất rừng giáp ranh Bình Định – Gia Lai

Để giải quyết vụ lấn chiếm đất rừng giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, trong hơn 10 năm qua, ngành chức năng 2 tỉnh này đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhưng vẫn chưa đề ra được giải pháp xử lý, dù 2 bên đã cùng xác định diện tích bị lấn chiếm và những đối tượng vi phạm.

Do đó “số phận” của gần 884ha đất rừng của huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) bị người dân TX An Khê (Gia Lai) lấn chiếm vẫn đang treo lơ lửng!

Những diện tích đất rừng của Cty Sông Kôn bị người dân Gia Lai lấn chiếm

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), tổng diện tích đất rừng giáp ranh của huyện này nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Thuận bị các hộ dân 3 xã Tú An, Cửu An, Xuân An thuộc TX An Khê (Gia Lai) lấn chiếm là 883,84ha. Trong đó, tại tiểu khu 210a (xã Vĩnh Hảo) thuộc chức năng phòng hộ có 162ha, diện này do BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) quản lý; tại tiểu khu 226, 217, 210b (xã Vĩnh Thuận) có 721,84ha do Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (viết tắt là Cty Sông Kôn) quản lý.

Riêng trong diện tích do Cty Sông Kôn quản lý có 403ha bị người dân vùng giáp ranh TX An Khê (Gia Lai) xâm canh đã lâu năm; và 318,84ha đất đã được Cty Sông Kôn trồng rừng, sau khi khai thác bị người dân 3 xã Tú An, Cửu An và Xuân An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm trái phép.

Tổ công tác 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đã xác lập được 224 biên bản kiểm tra và 398 sơ đồ hiện trường thửa đất. Qua đó xác định người dân xã Tú An lấn chiếm 121,98ha tại tiểu khu 210b; người dân xã Xuân An lấn chiếm 80,79ha tại tiểu khu 217; người dân xã Cửu An lấn chiếm 116,07ha tại tiểu khu 226, toàn bộ diện tích nói trên đều nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).

Tại buổi làm diễn ra tại Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vào chiều 19/8/2017, các ban ngành và 2 địa phương liên quan của 2 tỉnh đã thống nhất: Đối với diện tích 325,13ha đất rừng của Cty Sông Kôn bị lấn chiếm và 162ha rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý, giao các sở, ngành liên quan và chính quyền TX An Khê làm việc với các hộ dân vi phạm trả lại diện tích đất nói trên cho các đơn vị chủ rừng.

Người dân Gia Lai trồng rừng trên đất lấn chiếm

Riêng đối với diện tích đất bị người dân TX An Khê xâm canh trước năm 1995 mà chưa được chính quyền địa phương cấp đất, tỉnh Gia Lai đề nghị Bình Định xem xét, giao đất cho các hộ dân này tiếp tục canh tác với diện tích theo hạng mức quy định; số diện tích còn lại Bình Định thu hồi giao Cty Sông Kôn trồng rừng, Cty Sông Kôn có trách nhiệm hỗ trợ chi phí khai hoang và ưu tiên cho những hộ dân TX An Khê từng SX trên đất ấy nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng.

Mọi việc đã rạch ròi, tưởng chừng sẽ được giải quyết rốt ráo. Thế nhưng từ đó đến nay, việc giải quyết vẫn dậm chân tại chỗ. Cho đến buổi làm việc mới đây nhất diễn ra tại UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vào chiều 18/11/2017 vừa qua, các ngành liên quan 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai vẫn còn lúng túng tìm cách giải quyết.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ách tắc trong giải quyết vụ việc này, chúng tôi nhận thấy về phía Bình Định, cho đến nay tỉnh này vẫn chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của ngành liên quan. Đất của Bình Định bị người dân Gia Lai lấn chiếm trái phép, thế nhưng từ trước đến nay Sở TN-MT Bình Định vẫn đứng ngoài cuộc.

“Vấn đề đất đai là do Sở TN-MT quản lý, đất của Bình Định bị lấn chiếm thì cơ quan này phải vào cuộc xử lý thì mới ra chuyện. Chỉ khi có phá rừng mới thuộc trách nhiệm của ngành kiểm lâm”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, bộc bạch.

Về phía Gia Lai, từ giữa tháng 11/2017 đến nay, tổ công tác đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân 2 xã Tú An và Cửu An (TX An Khê) trả đất lại cho Bình Định bằng hình thức đối thoại trực tiếp. Kết quả, tại xã Tú An có 20/21 hộ dân có mặt tại cuộc họp khăng khăng không giao trả đất cho Cty Sông Kôn; còn tại xã Cửu An, 100% hộ dân có mặt tại cuộc họp (50 hộ) đã phản bác kết quả rà soát, thống kê hiện trạng đất lấn chiếm do tổ công tác thực hiện, và nhất định không ký biên bản kiểm tra hiện trường. Như vậy là kể như công tác vận động tuyên truyền bất thành.


Quang cảnh cuộc họp giữa các sở ngành liên quan 2 tỉnh Bình Định-Gia Lai diễn ra tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vào chiều 18/11 vừa qua

Tại buổi làm việc vào chiều 18/11 vừa qua, có ý kiến cho rằng phía Gia Lai cần phải quyết liệt hơn trong cách giải quyết. Nếu tuyên truyền vận động không xong, phải tổ chức cưỡng chế thì mới ra việc. Đối với những hộ vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất SX thì sẽ được xem xét bố trí đất, còn đối với những đối tượng “xúi” đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đất để bán lại cho những đối tượng ấy thì cần phải xử lý kiên quyết.

“Đang trong quá trình sắp xếp đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty nông lâm nghiệp, đề án của Cty Sông Kôn đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Trong sắp xếp, đổi mới, vấn đề đất đai là then chốt. Đứng trước tình trạng hàng trăm héc – ta đất của Cty đang bị người dân Gia Lai lấn chiếm chưa giải quyết xong, chắc chắn tiến trình sắp xếp, đổi mới của Cty sẽ không tránh khỏi vướng mắc”, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn, lo lắng