Chung sức xây dựng thành phố không rác

ThienNhien.Net – Ngoài những mô hình bảo vệ môi trường đang hoạt động hiệu quả, các địa phương còn đối diện với nhiều khó khăn.

Ngày 29-8, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp Sở TN&MT TP.HCM tổ chức tọa đàm Chung sức xây dựng thành phố không rác, thành phố văn minh. Chương trình có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng đại diện UBMTTQ các quận, cơ quan ban ngành, đoàn hội…

Còn nhiều khó khăn

Tham gia tọa đàm, các đơn vị đã chia sẻ mô hình bảo vệ môi trường đang hoạt động hiệu quả tại địa phương. Đại diện UBMTTQ quận 7 cho biết ngoài tuyên truyền, quận thành lập các tổ khảo sát dân cư, nhất là dân cư vùng ven. Những khu đất hoang của quận được thay áo mới thành công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ… Cách làm này giúp hạn chế rác thải cũng như giảm thiểu tệ nạn xã hội.

Ngoài mô hình thành công, các đại biểu nêu bật nhiều vấn đề, thực trạng môi trường còn tồn tại. Chẳng hạn như lực lượng rác dân lập thu gom rác không đúng giờ theo hợp đồng; rác để lâu phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến nét sạch đẹp khu dân cư; không thu gom rác theo từng loại riêng biệt dù đã được người dân phân loại tại nguồn; nhiều chương trình cộng đồng chưa có sự tham gia mạnh mẽ của người dân…

Ông Lê Đình Luân, đại diện Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh, cho biết ngoài những mô hình hiệu quả đang thực hiện, quận vẫn đối diện với nhiều khó khăn như tình trạng tụ tập buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây mất vệ sinh; ô nhiễm môi trường vẫn chưa giảm, có chiều hướng gia tăng; súc vật vẫn được thả rong, phóng uế bừa bãi… Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng tình trạng phát tờ rơi ở các ngã tư, dán quảng cáo trụ điện… còn phổ biến.

Bà Triệu Lệ Khánh cho biết các báo cáo tham luận tại buổi tọa đàm đã thể hiện những giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là chương trình Xây dựng thành phố (TP) không rác. Tuy nhiên dù mỗi mô hình, giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, song công tác bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Một số hoạt động mang tính phong trào nhưng đến nay không mang lại hiệu quả cao.

Ảnh minh họa

Tăng cường xử lý, chế tài

Một trong các nội dung quan trọng nêu bật tại buổi tọa đàm là biện pháp chế tài hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng cường nhận thức cho người dân. Có ý kiến nêu rằng tại sao cùng cá nhân đó khi đi nước ngoài chấp hành rất tốt việc bảo vệ môi trường, còn khi trở lại Việt Nam, họ vẫn vô tư xả rác, hút thuốc ở những khu vực cấm, bất chấp quy định đã có. Vậy phải chăng việc xử lý, chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, nghiêm minh?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết Sở TN&MT TP rất tâm đắc với đề dẫn của buổi tọa đàm mà UBMTTQ TP đề ra. Chúng ta không thiếu các chế tài cho từng hành vi cụ thể. Chẳng hạn, chỉ cần vứt tàn thuốc ra đường phố, bỏ rác không đúng nơi quy định, không thực hiện phân loại rác tại nguồn, không lưu giữ, thu gom, vận chuyển rác… đúng cách đều có quy định, mức phạt vi phạm cụ thể. Tuy nhiên làm sao để xử lý được, làm sao sự răn đe đủ mạnh lan tỏa vào từng gia đình để điều chỉnh hành vi cá nhân là vấn đề cần giải quyết.

Bà Thanh Mỹ cũng thừa nhận lực lượng quản lý môi trường ở các quận huyện còn khá mỏng gây khó khăn trong việc kiểm soát môi trường. Sở đề nghị các địa phương nên nghiên cứu, tổng hợp mô hình bảo vệ môi trường thực sự hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, bà mong đại biểu hiến kế các giải pháp, nhất là trong công tác tuyên truyền cũng như hình thức xử phạt hiệu quả… làm sao để người dân chuyển đổi từ nhận thức sang hành động. Các quận huyện cần phát huy tinh thần, trách nhiệm quản lý từ tổ chức chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo kế hoạch chung của TP đến việc thực hiện nhiệm vụ thể như đã được phân cấp.

Sắp tới Sở sẽ trình UBND TP kế hoạch tổ chức đợt tổng tuyên truyền về vệ sinh môi trường, dự kiến diễn ra vào tuần cuối của tháng 9. Sau đó sẽ tiến hành ra quân xử phạt vào tuần lễ kế tiếp trên toàn TP.