Ban hành khung giá tính thuế tài nguyên

ThienNhien.Net – Khung giá tính thuế tài nguyên đối với các nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau mới được Bộ Tài chính ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Sự ra đời của khung giá này được kỳ vọng sẽ khắc phục được hiện tượng “mỗi tỉnh một mức” như hiện hành.

Có 6 loại tài nguyên được quy định khung giá tính thuế. Ảnh: Hữu Linh

Thực hiện Luật Thuế Tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009, đối với các loại tài nguyên cần được kiểm soát khi tính thuế tài nguyên, đặc biệt là nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau nhưng các địa phương lại áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên khác nhau, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí gây thất thu ngân sách, sử dụng tài nguyên không hiệu quả, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của các Luật Thuế đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với các nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Thông tư quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên (không  bao gồm nước thiên nhiên dùng sản xuất thuỷ điện); yến sào thiên nhiên.

Căn cứ khung giá tính thuế tài nguyên, UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên tại Bảng giá tính thuế tài nguyên phải phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên và lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại Khung giá tính thuế tài nguyên.

Trong Thông tư nêu ra 2 trường hợp được phép điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên. Thứ nhất là khi giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành. Thứ hai là khi phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Thông tư cũng quy định nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên và trách nhiệm của Tổng cục Thuế trong việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên. Khung giá tính thuế tài nguyên và cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên là một trong những cơ sở để xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên, phục vụ cho việc quản lý giá tính thuế tài nguyên thống nhất trên toàn quốc, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro trong quản lý thu thuế tài nguyên, công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến thuế tài nguyên; góp phần khuyến khích việc khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước.

Cũng theo ông Tân, việc ban hành khung giá cũng như cơ sở dữ liệu sẽ giúp các địa phương có thông tin đầy đủ, có cơ sở để ban hành Bảng giá cụ thể cho hợp lý, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh lân cận. Ngoài ra, việc ban hành khung giá tính thuế tài nguyên này không ảnh hưởng gì tới những ưu đãi đối với nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách phát triển thủy sản vì theo quy định hiện hành, thủy, hải sản tự nhiên là đối tượng không phải chịu thuế.

Tổng cục Thuế đã có công văn số 2533/TCT-CS gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Cục Thuế phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, xác định mức giá tính thuế tài nguyên của mỗi loại tài nguyên, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét để tiếp tục áp dụng theo Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh đã ban hành nếu còn phù hợp, hoặc ban hành văn bản điều chỉnh đối với loại tài nguyên trong Bảng giá không còn phù hợp với Khung giá chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 1/7/2017.