Nơi địa đầu tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 6): Cấp chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững

ThienNhien.Net – Không chỉ tập trung thí điểm, xây dựng các mô hình, Đề án phát triển lâm nghiệp Hà Giang còn đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu cấp chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững.

Theo anh Đồng Anh Đài, cán bộ Chi cục lâm nghiệp tỉnh Hà Giang, đầu tư quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững là sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Đối với Hà Giang, tỉnh thực hiện theo tiêu chí của Tổ chức chứng nhận GFA – một trong những tổ chức được Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (Forest Stewardship Coucil – FSC) ủy nhiệm để thực hiện các dịch vụ đánh giá cấp chứng chỉ FSC trên toàn thế giới.

Những cánh rừng này sẽ được cấp chứng chỉ FSC
Rừng keo thường được trồng theo phương pháp truyền thống sẽ được thay thế trong tương lai
Để quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ phải trồng đúng lỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến khi thu hoạch

“Sản phẩm từ rừng có chứng chỉ rất phù hợp với xu hướng sử dụng tài nguyên xanh và sạch trên toàn cầu, do đó nhu cầu tiêu thụ ngày càng mở rộng, nhằm vào các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Hoa Kỳ. Tất nhiên, việc thay đổi tập quán, thói quen để tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt phù hợp với chứng chỉ FSC là điều không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn và thường xuyên của tất cả các thành viên tham gia vào quá trình này” – anh Đồng chia sẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung hoàn thiện các định hướng về phát triển lâm nghiệp như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 28/7/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020, tần nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về Kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020…

Để quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ phải trồng đúng lỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến khi thu hoạch
Rừng sau khi khai thác sẽ được trồng lại
Cán bộ Ban QLDA BV & PT rừng huyện Bắc Quang hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây keo tai tượng
GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang, được bà con Hà Giang ví như “cao bồi” của núi rừng miền biên ải.

Bên cạnh đó, để thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp và cấp chứng chỉ rừng bền vững, tỉnh đã quy hoạch 3 vùng động lực với mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn GFA, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ ngành lâm nghiệp và người làm nghề rừng về quản lý rừng trồng bền vững; xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu liên quan; điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, đất rừng và lập ô tiêu chuẩn cố định để tính toán trữ lượng, sản lượng khai thác bền vững hàng năm… “Nếu Đề án triển khai thành công, giá trị gỗ có chứng chỉ sẽ tăng lên khoảng15-20% so với giá gỗ chưa có chứng chỉ và ước tính với phạm vi 30.000 ha nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì giá trị có thể tăng lên khoảng 30 tỷ đồng/5 năm” – lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang đánh giá.

Tỉnh Hà Giang có tổng diện tích đất tự nhiên trên 792.948 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp khoảng 566.723 ha, chiếm 71,47% diện tích tự nhiên của tỉnh; diện tích quy hoạch cho rừng sản xuất khá lớn (260.619 ha); riêng ở vùng động lực có thể hình thành vùng nguyên liệu với diện tích trên 90.000 ha (diện tích rừng trồng là rừng sản xuất hiện có là 57.000 ha). Toàn tỉnh có 316 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 310 cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo; 05 cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ, 01 nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp…