Đại biểu Quốc hội: Đất đai, tài nguyên là “của để dành”, phải “ăn dè”

ThienNhien.Net – Đại biểu Quốc hội cho rằng, đất đai, tài nguyên, dầu thô là “của để dành” có giới hạn và cần giữ mức khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá.

Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước sáng 12/6, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: Đất đai, tài nguyên, dầu thô là “của để dành” có giới hạn và cần giữ mức khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá.

Cần phải khai thác một cách hợp lý nguồn tài nguyên dầu thô (Ảnh minh họa: KT)

Cần phát huy nội lực nền kinh tế 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu thực tế: Nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu ngân sách nhà nước có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn nhà nước, thu nợ đọng thuế…

Ông Hàm cho hay, năm 2015 khai thác thêm so với kế hoạch 2,12 triệu tấn dầu thô, tiền thu sử dụng đất tăng thêm 76,9% là 29.000 tỷ đồng. Năm 2016 khai thác thêm 1,38 triệu tấn dầu, thu về đất tăng 97,5% tương đương 48.000 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm

“Đây là vấn đề Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững. Để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi cho khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ. Hay nói một cách khác là bội chi và vay phải được đảm bảo bằng các nguồn thu vững chắc, phù hợp với tốc độ tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề xuất.

Cần giám sát công tác hoàn thuế

Ông Hàm cũng phản ánh: Nhiều năm quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải là theo số thực tế phải hoàn. Những năm gần đây Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác tuyệt đối số hoàn thuế.

Về công tác quyết toán, đại biểu Hàm đề xuất kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế để quyết toán chính xác số thu ngân sách. Chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách nhà nước thực sự được hưởng là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế, số hoàn thuế và số thu tương ứng để hoàn thuế thực hiện ngoài cân đối, không đưa vào quyết toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận về tình trạng trốn thuế, khai man thuế trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ông Dũng nêu rõ: “Hàng năm, Chính phủ xây dựng dự toán và Quốc hội quyết định dự toán về hoàn thuế giá trị gia tăng nằm trong mục cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu của dự toán ngân sách Nhà nước theo lĩnh vực là tổng thể như thế và không phải hoàn thuế giá trị gia tăng không phải là mục chi nằm trong dự toán chi ngân sách Nhà nước”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tính chính xác trong dự toán về công tác hoàn thuế ngày càng cao, nhưng không thể chính xác 100% được.