Dẹp chất cấm – “cuộc chiến” giành lại lòng tin

ThienNhien.Net – “Ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ là vi phạm hành chính hay tội ác? Đó là tội ác! Là tội ác thì phải đấu tranh không khoan nhượng”, vừa nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa cho rằng việc loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi là “cuộc chiến” giành lại lòng tin.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông lâm thuỷ sản trên diện rộng cho thấy, việc cải thiện ATVSTP còn chậm, thiếu bền vững khiến các vi phạm ATVSTP và tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C còn cao.

Chuối xanh được ngâm hóa chất để nhanh chín (Ảnh: Trí Tín/ VnExpress)
Chuối xanh được ngâm hóa chất để nhanh chín (Ảnh: Trí Tín/ VnExpress)

Không thể chờ chết mới… truy tố

Nhiều sự cố về an toàn thực phẩm thời gian qua chưa được kịp thời xác minh, kiểm chứng và cung cấp đầy đủ thông tin gây hoang mang cho người dân và làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông lâm thuỷ sản.

Nhiều ý kiến cũng không hài lòng với các quy định xử phạt hiện nay đối với hành vi liên quan tới chất cấm. Ông Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cũng nêu vấn đề bất cập trong Bộ luật Hình sự mới quy định tội phạm về vận chuyển, tàng trữ chất cấm chứ chưa quy định về hành vi sử dụng. Ngay cả với hành vi buôn bán hàng cấm cũng phải căn cứ vào số lượng hàng để xử phạt.

Theo ông Trần Trọng Bình, Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định vi phạm về ATVSTP phải gây hậu quả nghiêm trọng (tức là phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt)… mới bị xử lý hình sự. “Nhưng các chất độc hại trong thực phẩm không làm người ăn chết ngay thì không phải hậu quả nghiêm trọng. Do đó, tôi cho rằng cần đề xuất chỉ đưa một lượng chất cấm vào trong chăn nuôi là đã vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự”, ông Bình nói.

Bà Đinh Thị Phương Khanh,  Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng dự thảo Bộ luật Hình sự đang quy định mức xử phạt phụ thuộc vào tỉ lệ tổn hại sức khỏe theo phần trăm là khó chấp nhận và không thể đi vào cuộc sống.

Theo bà Khanh, “mỗi ngày chúng ta ăn vào một chút, làm sao xác định được tồn dư bao nhiêu? Vì thế cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Cụ thể là chỉ cần ăn cái gì có khả năng gây chết người là hành vi đưa chất cấm phải bị xử lý, chứ không thể chờ tới khi ăn rồi gây chết người mới truy cứu”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm ATVSTP thì các cơ quan liên quan cần phải bàn thật kỹ việc kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia để công bố cho người dân biết các địa chỉ bán thực phẩm sạch được Sở NN&PTNT đảm bảo.

Địa chỉ rau sạch, thịt sạch cần hơn thông tư

Trong tháng 10 và đầu tháng 11, Bộ NN&PTNT tổ chức liên tiếp các cuộc họp liên ngành, liên địa phương về vấn đề đảm bảo VSATTP. Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng Bộ  NN&PTNT xác định là đợt cao điểm hành động để dẹp nạn sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tuy nhiên Bộ trưởng Cao Đức Phát hy vọng đây sẽ là tiền đề cho việc đấu tranh chống chất cấm trong sản xuất nông nghiệp sắp tới.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành và 33 đoàn thanh tra đột xuất. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỉ đồng.

Theo thống kê về vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của Bộ NN&PTNT, trong 1.000 mẫu nước tiểu được lấy xét nghiệm thì đã phát hiện 202 mẫu dương tính với chất cấm (chiếm 20%); trong 58 mẫu thức ăn thì phát hiện 10 mẫu dương tính (chiếm 16%). Tỉ lệ này cho thấy tình trạng vi phạm chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc là rất cao.

Với 20% số mẫu dương tính với chất cấm mới phát hiện, Bộ trưởng Cao Đức Phát  yêu cầu Thanh tra Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin cụ thể cho các địa phương. Từ đó, cần tìm ra các đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm.

Là đầu mối nhận báo cáo triển khai các kế hoạch để đảm bảo ATTP từ các Sở NN&PTNT của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chia sẻ: “Người tiêu dùng không cần biết các cơ quan chức năng đã cho ra đời bao nhiêu thông tư, bao nhiêu quyết định, bao nhiêu văn bản… mà họ cần những địa chỉ cụ thể có thể tin tưởng mua được rau, thịt an toàn”. Nhưng điều đó còn thiếu vắng trong báo cáo của các địa phương.

Trong khi đó, như Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận: “Theo kiểm tra thì chỉ khoảng 10% thực phẩm không đảm bảo an toàn từ sản xuất thôi nhưng người tiêu dùng đã mất 100% niềm tin vào thực phẩm có nguồn gốc nông, thủy sản hiện nay rồi. Vì thế, đây không phải là các đợt thanh tra, kiểm tra nữa mà là những “trận đánh” để giành lại lòng tin của nhân dân”.