Nông dân sáng chế máy tời, thuyền bạt kéo lúa

ThienNhien.Net – Trên cánh đồng xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nông dân Nguyễn Văn Quy dạng chân khởi động chiếc máy tời nổ xoành xoạch rồi cài số và tăng ga.

Chỉ hơn phút đồng hồ, xuồng bạt chất đầy lúa được kéo ra sát đường. Thợ gặt nhanh chóng ôm lúa lên đường chờ máy tuốt đến…

Máy chạy 1 phút bằng 5 người làm

“Tôi mua cái máy tời này giá 4 triệu đồng. Lúc đầu chỉ để phục vụ cho gia đình. Sau này, bà con cần quá nên mới làm dịch vụ. Trung bình mỗi sào tiền công kéo lúa chỉ 30 ngàn đồng. Thời gian kéo lúa về nơi tập kết thuận tiện cho việc chạy máy tuốt chỉ hơn phút thôi. Nếu như trước đây dùng sức người gánh gồng phải cần 5 người cho mỗi sào ruộng. Nay chỉ có loáng phút là êm”.

Máy tời lúa giúp nông dân trên đồng ruộng

Đem câu chuyện về chiếc máy tời cải tiến phục vụ nông dân với anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy, anh cười vui: “Cái máy này giúp lợi cho nông dân nhiều công lắm. Tiết kiệm được cả đống tiền cho bà con. Ở Lệ Thủy, nơi nào cũng có thể dùng máy này nếu có ruộng sâu”.

Cũng theo anh Hoàng, nhiều địa phương trong huyện không dùng được máy gặt liên hợp vì có hai lý do. Thứ nhất là do vạt ruộng ở vùng trũng ngập nước nên máy gặt khó xoay xở. Thứ hai là bà con làm lúa tái sinh nên phải gặt thủ công. Gặt thủ công nhằm đảm bảo gốc rạ không bị tổn thương, giúp cho gốc lúa sớm đẻ nhánh và khoảng tháng sau là đã thu hoạch vụ tái sinh được. Hàng năm, toàn huyện Lệ Thủy có diện tích tái sinh từ 8. 000 – 9.000 ha. “Tốn kém nhất chính là công đoạn vận chuyển lúa từ ruộng vào bờ. Việc này nhờ vào máy tời đã giải phóng sức lao động cho nông dân và tránh được rơi vãi hạt lúa gần như hoàn toàn nếu so với gánh trên vai như trước đây”, anh Hoàng cho hay.

Người nông dân khoái sáng kiến

Đến thôn thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy hỏi anh Lê Văn Đàn thì ai cũng hỏi lại: “Có phải Đàn máy tời không?”.

Xởi lởi mời chúng tôi vào nhà, anh Đàn kêu vợ lấy mấy lon bia mời khách uống cho mát. Chúng tôi can mãi mới được. Anh bộc bạch: “Người ta nghĩ ra những chiếc máy cao siêu như máy bay, tàu lặn còn tôi chỉ nghĩ đến đồng ruộng với bao vất vả của chính tôi và bà con nông dân để rồi cạy cục tạo ra sản phẩm trực tiếp đỡ đần người lao động” .

Cách đây khoảng mười năm, lúc đó anh Đàn rời quân ngũ về địa phương. Một sáng đi thả lưới ngoài đồng Cồn Môn. Lúc đó, gia đình ông Doãn là hàng xóm đang gặt lúa. Ruộng sâu, mọi người lội bì bõm gặt, ôm lúa lên bờ thật nhọc công. Hồi đó, thuyền đò cũng còn ít chiếc vì gỗ rừng khó khai thác, việc vận chuyển lúa chủ yếu trên đôi vai.

Nhìn thấy tấm bạt nhà ông Doãn trải trên bờ để chất lúa cho khỏi rơi vãi, anh Đàn lóe lên suy nghĩ. Anh ôm tấm bạt lội phăng phăng về phía người gặt. Mọi người đang ngơ ngác thì anh đã kêu ông Doãn trải tấm bạt lên ruộng nước rồi bảo mọi người chất lúa vào đó. Khi chất đống lúa lên cao, anh Đàn nói mọi người cùng buộc túm bốn góc bạt rồi cuốn lên. Lúc này tấm bạt như một con thuyền chất đầy lúa. Xong xuôi, anh Đàn hô một người kéo, hai người đẩy. Chiếc thuyền lúa đi nhẹ trên mặt ruộng. Mọi người ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Thay vì lo lắng gánh lúa vào bờ cho đến quá trưa vẫn chưa chắc xong thì nhờ anh Đàn mà mọi việc được giải quyết thật nhẹ nhàng.

Thuyền bạt để chở lúa trên đồng

Sau hôm làm thử nghiệm thuyền bạt chở lúa cho nhà ông Doãn, anh Đàn còn làm thử cho nhiều nhà và rút kinh nghiệm để thuyền nhẹ hơn, chở được nhiều hơn. Từ đó, câu chuyện thuyền bạt đã trở nên quen thuộc với nông dân Lệ Thủy và ai cũng thấy đã mang lại hiệu quả cho mọi nhà.

Sau câu chuyện, anh Đàn kéo chúng tôi ra trước nhà nơi để chiếc máy tời vừa chế tác xong. Anh nói: “Chiếc máy này cũng bắt nguồn từ việc tôi suy nghĩ làm sao có cái máy kéo thuyền bạt vừa tiện, vừa khỏe và giúp bà con nhẹ nhàng hơn”.

Hồi đó, anh Đàn nghĩ đến những chiếc xe máy bị loại bỏ trong khi máy móc của nó còn dùng được. “Máy này bán cho đồng nát thì cũng uổng phí quá”- nghĩ vậy và anh quyết định dùng chính xe máy hỏng làm máy tời. Suy nghĩ của anh là máy xe honda đặt vào giá sát, phía sau chế một trục tời có cáp thép nhỏ. Máy nổ, cài số sẽ kéo tời quay. Khi bắt tay vào làm, mọi người đi qua bảo tào lao, vợ cũng nói làm cho uổng sức…

Không nản lòng, đúng một tháng sau, chiếc máy tời đầu tiên ra đời. Sáng chưa bửng mắt, anh Đàn hì hục chở máy ra ruộng để thử và cũng khỏi cho ai biết. Mấy bao tải cát đặt cách xa khoảng hai vạt ruộng. Máy nổ, tời quay. Mừng chưa kịp thì tiếng máy nghẹn lên rồi tắt phụt. Lý do, dây tời quấn lệch vào trục tời khiến máy tải không nổi nên… chết.

Sau nhiều lần làm tới, làm lui đến chục lượt thì anh Đàn mới biết trục tời này làm không đúng quy cách thì khi tời sẽ có độ lệch. Để xử lý điều này cốt lõi là thay bộ bi cố định bằng bộ bi rơi tự động trên trục ba li e. Ngoài ra máy sẽ được tháo ra trùng tu lại, trong đó chú trọng bộ côn với lá côn thật chuẩn để tời tốt.

Bây giờ thì mọi việc đã suôn sẻ, anh Đàn cho biết, khoảng một tháng để hoàn chỉnh một chiếc máy tời và giá là 4 triệu đồng. “Máy tời kéo được khoảng 2 tấn trên ruộng có nước, bùn, kéo khoảng 5 tạ trên đất khô. Cự ly kéo tối đa khoảng 300m”- anh Đàn thông tin thêm. Ngoài việc tời lúa trong mùa gặt, máy tời này còn được sử dụng trong việc san đất ruộng, chuyên chở đất và một số vật liệu khác trên mặt ruộng. Sức máy có thể làm bằng 5 – 7 lao động khỏe mạnh.

Anh Đàn nói: “Cũng may các anh đến sớm, chiều nay đã có người đến nhận nó mang đi rồi”. Đây là chiếc thứ bao nhiêu? Chúng tôi hỏi, anh nói không nhớ chính xác nhưng cũng xấp xỉ 300 chiếc. Chị vợ nói với theo hơn 300 chiếc rồi. Anh Đàn cười: “Bà ấy kế toán nên nắm chính xác hơn tôi mà”.