TPHCM: Phân loại rác thải tại nguồn – khó vì sao?

ThienNhien.Net – Để giải quyết vấn đề này, TPHCM đang tìm nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phân loại rác tại nguồn để tái chế.

Mỗi ngày, TPHCM có khoảng 7.000 đến 8.000 tấn chất thải các loại. Lượng rác thải này được xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp. Đây cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố đang tìm nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phân loại rác tại nguồn để tái chế. Việc làm tưởng chừng như đơn giản này lại đang gặp khó khăn khi chưa trở thành thói quen của người dân thành phố.

tphcm phan loai rac thai tai nguon kho vi sao hinh 1
Ảnh minh họa

Chương trình thí điểm về phân loại chất thải rắn tại nguồn ở thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 1999 tại một số quận, huyện. Kéo dài đã gần 18 năm, nhưng dường như không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bà Huỳnh Thị Hoa, người dân ở phường 14, Quận 6, nơi thí điểm về chương trình này nói: “Tôi thấy xe đổ rác đổ chung tùm lum ra, có đổ riêng ra đâu, có ai phân ra đâu, thành ra mình cũng khó nữa. Họ đổ rác như thế mà chẳng có ai nói gì?”.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, tất cả các quận, huyện sẽ thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các ban, ngành, đoàn thể của thành phố tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn theo kiểu phong trào, những đơn vị thu gom rác lại mạnh ai nấy làm, còn người dân không tham gia.

Nhiều quận, huyện của thành phố bây giờ mới bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình phân loại rác tại nguồn.

Ông Phan Thanh Phong, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận Bình Tân cho biết: “Bây giờ chúng tôi mới bắt đầu xây dựng kế hoạch bởi vì trước đây thành phố thí điểm một số quận, huyện còn Q.Bình Tân chưa đưa vào thí điểm của thành phố. Hiện, UBND TP có kế hoạch triển khai cấp quận, huyện sau đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND Quận triển khai kế hoạch của thành phố thôi”.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ở những khu vực công cộng như trường học, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị. Kế hoạch được triển khai sau khi thí điểm tại quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh. Tuy nhiên, chương trình này chưa được người dân biết đến nhiều.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố giai đoạn 2017-2020 được thực hiện ở 24 quận huyện.

Để thực hiện chương trình này, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Trong năm nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học, các khu vực vui chơi giải trí như: Thảo Cầm Viên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, các bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị… sẽ triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Các chất thải theo đó sẽ được phân loại thành 3 loại gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng và tái chế, chất thải còn lại. Để người dân thuận tiện trong phân loại rác tại nguồn, thành phố đã bố trí các thiết bị chứa, phương tiện thu gom và các phương án thu gom ở từng khu vực.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng mình bắt đầu phải từ nhận thức của người dân. Tất nhiên, hiện nay còn một bộ phận người dân chưa biết nhiều hoặc có những người chưa biết về chương trình này, nhiệm vụ của mình làm sao phải làm cho được bộ phận người dân còn lại hiểu chúng tôi xây dựng lộ trình gắn với việc triển khai từ năm 2017, 2018, 2019, mình vừa làm và vừa tuyên truyền”.

Chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hồ Chí Minh nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải.

Điều này sẽ làm giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách chi phí cho xử lý rác thải, đồng thời giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra. Từ thực tế cho thấy, chương trình chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức tự giác của người dân.