“Nguyên tử không phải là chiến binh, mà là người lao động”

ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia, năng lượng nguyên tử có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, môi trường,… không chỉ riêng sản xuất vũ khí.

Ngày 18/5, tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử đã diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Hạt nhân & Khoa học 2017.

Đây là một chuỗi sự kiện giáo dục về chủ đề công nghệ, kỹ thuật hạt nhân được tổ chức bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM với sự phối hợp của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo các chuyên gia năng lượng nguyên tử thực sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội. (Ảnh minh họa)

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức công chúng về các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vì mục đích hoà bình. Ông cho rằng: “Nguyên tử không phải là chiến binh, mà là người lao động”.

Tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Vật lý và Toán học Vitaly Khryachkov, Trưởng khoa Vật lý Hạt nhân Thực nghiệm của Viện Vật lý và Kỹ thuật Điện cho rằng “thực tế khi đề cập đến ngành công nghiệp hạt nhân, hầu hết mọi người đều nghĩ đến vũ khí hạt nhân và các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, đây không phải tất cả những gì vật lý hạt nhân có thể mang đến”.

Theo TS Khryachkov, khoa học hạt nhân được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như điện tử, nông nghiệp, y học, vũ trụ, công nghiệp, thăm dò địa chất…

TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chỉ ra cụ thể, tại Việt Nam, công nghệ hạt nhân đã được ứng dụng trong nông nghiệp để tạo ra nhiều giống lúa mới cho năng suất cao như Khang dân 11, Xuân 4, Xuân 5, NTP4. Ngoài ra trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ hạt nhân, có đến 30% nông sản sau thu hoạch phải “đổ bể”, nhưng khi ứng dụng khoa học hạt nhân vào bảo quản nông sản, thủy sản cho kết quả ngoài mong đợi.

TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đưa ra ví dụ về những ứng dụng của khoa học Công nghệ hạt nhân.

Tại một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, kỹ thuật này còn được áp dụng để triệt sản ruồi phá hoại thanh long, cây trồng chủ đạo của địa phương. Đây là một trong những ứng dụng sáng tạo, giúp bảo vệ thực vật không cần sử dụng đến thuốc trừ sâu, đảm bảo chất lượng cho nông sản sạch, không ô nhiễm môi trường.

Còn trong lĩnh vực y tế, công nghệ hạt nhân được sử dụng để phát hiện và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có bệnh ung thư.

Ông Quang cũng khẳng định rằng việc ứng dụng rộng rãi, hiệu quả năng lượng bức xạ trong các ngành kinh tế, khoa học,.. sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, phục vụ nhu cầu xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay khi nhắc đến khoa học hạt nhân, nhiều người vẫn có tâm lý e ngại. Ông Arkady Karneev Giám đốc truyền thông ROSATOM khu vực châu Á đưa ra dẫn chứng, tại châu Âu đã có hàng ngàn phụ nữ mang phai phải phá bỏ do nỗi sợ nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl. Chỉ tính riêng ở Ý, con số này là 3000-7800 người. Giám đốc truyền thông này cho rằng, để phát triển năng lượng hạt nhân và ứng dụng rộng rãi trong đời sống, truyền thông cần thực hiện tốt vai trò “phá băng”  nỗi sợ hãi năng lượng hạt nhân, đồng thời truyền tải chính xác đến công chúng.

Ông Arkady Karneev Giám đốc truyền thông ROSATOM khu vực châu Á chia sẻ tại chương trình.

Cũng tại chương trình, đại diện từ Malaysia cũng đã chia sẻ những thành công trong việc ứng dụng khoa học hạt nhân trên nhiều lĩnh vực tại quốc gia này. Chương trình kéo dài 2 ngày trong đó có nhiều sự kiện dành riêng cho sinh viên Bách Khoa như cuộc thi tìm hiểu về “Sức mạnh Nguyên tử”, “Giả định về Năng lượng Hạt nhân”, hội thảo tư vấn hướng nghiệp  “Tại sao nên theo học ngành Khoahọc”. Đây sẽ là cơ hội để các bạn sinh viên hiểu hơn về khoa học hạt nhân cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức chuyên mô bổ ích từ các chuyên gia nước ngoài.