Cấp bách bảo đảm an ninh nguồn nước

ThienNhien.Net – Nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống ngày càng lớn trong khi khả năng dự trữ hạn chế dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong việc bảo đảm nguồn nước cung cấp. An ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản lý nguồn nước từ một số quốc gia phát triển; đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Đối mặt với nhiều thách thức

Tại Hội thảo “An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” vừa được tổ chức, ông Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các con sông được bắt nguồn từ nước ngoài. Có tới 63% tổng lượng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ các nước láng giềng. Chỉ riêng khu vực sông Mê Công, tỷ lệ này chiếm 90%; lưu vực sông Hồng chiếm hơn 50%. “Điều này dẫn đến chúng ta không chủ động được về tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản và nhiều yếu tố khác”, ông Trần Đình Hòa chia sẻ.

Hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đắc Nông cạn trơ đáy vào mùa khô hạn. Ảnh: Minh Mạnh

Cùng với đó, an ninh nguồn nước đang bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng giữa nhu cầu sử dụng nước và khả năng dự trữ nước. Việt Nam hiện có khoảng 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ m3. Trong khi, nhu cầu nước dự kiến đến năm 2020 của một số lĩnh vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý lên tới khoảng 125 tỷ m3 (theo Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020). Tính ra so với nhu cầu cần thiết thì lượng nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào lượng nước mưa tự nhiên và nguồn cung từ các con sông. Đây là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện tượng nước biển dâng, thời tiết cực đoan làm cho tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng, nếu không có những biện pháp hữu hiệu, các tác động bất lợi tới an ninh nguồn nước, an ninh lương thực sẽ ngày một lớn hơn.

Bên cạnh đó, nguồn nước mặt ở nhiều khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, sự gia tăng dân số cũng như ý thức trách nhiệm về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước của phần lớn người dân còn chưa thực sự cao cũng làm ảnh hưởng tới an ninh nguồn nước tại nước ta.

Tạo cơ chế để thu hút vốn đầu tư xã hội

Thời gian qua, một số bộ, ngành đã tích cực phối hợp với nhiều tổ chức từ các nước phát triển để nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi Việt Nam. Trong đó, một số nước rất tích cực trong công tác này, như: Nhật Bản, Hà Lan, Đức. Một số dự án có thể kể tới như: Nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam (DEVIWAS), chương trình quản lý nước thải tại Việt Nam… Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ này, chúng ta cần có được những dự án cụ thể, địa chỉ cụ thể, xác định danh mục những dự án cần được ưu tiên.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: “Đối với nguồn vốn dành cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2011-2015, 70% là được trang trải từ ngân sách Nhà nước, 30% còn lại là từ khu vực tư nhân và các nguồn lực khác. Ngân sách Nhà nước là chất xúc tác để huy động sự tham gia của khu vực tư nhân”. Theo bà Diệu Trinh thì trong thời gian tới, để huy động thêm vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực thủy lợi, cần phải có 3 yếu tố đó là: Chia sẻ thông tin, tạo thị trường và niềm tin.

Ông Trần Đình Hòa nhận định, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có nhiều thuận lợi khi đầu tư vào quản lý nguồn nước. Hiện Bộ NN&PTNT đang thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi giúp bảo đảm an ninh nguồn nước với cơ chế cùng khai thác những công trình thủy lợi này. Đây là một hướng đi mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với các doanh nghiệp trong nước bằng cách tham gia đầu tư vào những công trình để khai thác nguồn nước phục vụ xã hội và mang lại hiệu quả lâu dài cho cả hai bên.