Vứt xác vật nuôi ra môi trường bị phạt đến 3 triệu đồng

ThienNhien.Net – Phạt cả người phát tờ rơi và người quảng cáo; Hình xử phạt vi phạm hành chính phải hiển thị ngày, giờ; Vứt xác vật nuôi ra môi trường, phạt đến 3 triệu đồng; Đầu tư sản xuất, kinh doanh muối được hỗ trợ đến 1 tỉ đồng… là những chính sách, pháp luật có hiệu lực từ tháng 5.2017.

Hình xử phạt vi phạm hành chính phải hiển thị ngày, giờ

Thông tư 06/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5. Theo đó, từ ngày 1.5, thiết bị ghi hình làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính (VPHC) và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi chụp ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình.

Camera khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.

Từ ngày 5.5 sẽ phạt cả người phát tờ rơi và người quảng cáo (Ảnh: PV)

Phạt cả người phát tờ rơi và người quảng cáo

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 5.5. Theo đó, từ ngày 5.5, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Trong lĩnh vực văn hóa, phạt tiền đến 25 triệu đồng với hành vi nhân bản phim, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu… đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến; nhân bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy; tàng trữ trái phép phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến… Đối với hành vi nhân bản phim chưa được phép phổ biến; nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp phép phê duyệt nội dung, mức phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng.

Đáng chú ý, Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

Nộp phí sử dụng đường bộ không cần dừng xe

Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.5.

Theo đó, từ ngày 15.5, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.

Vứt xác vật nuôi ra môi trường, phạt đến 3 triệu đồng

Đây là quy định mới được nêu rõ trong Nghị định 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng; phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.

Theo đó, từ 20.5, phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi nếu không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó nuôi; Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật; Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường…

Đầu tư sản xuất, kinh doanh muối được hỗ trợ đến 1 tỉ đồng

Nghị định 40/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.

Theo đó, từ 20.5, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối, dịch vụ sản xuất muối, kho chứa muối sẽ được áp dụng các chính sách về tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách; cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muối được vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, người dân sản xuất muối trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng về kỹ thuật sản xuất muối. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước.

Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần và thời gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 6 tháng. Mức tối đa không quá 1 tỉ đồng, áp dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, chế biến muối hay áp dụng cho mỗi lao động đi đào tạo. Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.