Lò gạch nhả khói “đầu độc” khu dân cư

ThienNhien.Net – Hàng loạt lò gạch thủ công ở giữa các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn lần cuối cùng cho các lò gạch thủ công, đến năm 2018 là chấm dứt hoàn toàn.

Các lò gạch thủ công ở xã An Hòa xả khói dày đặc, gây ô nhiễm khu dân cư (Ảnh: Bảo Trâm)

Gây hại sức khỏe người dân

Xã An Hòa, TP Biên Hòa được xem là “thủ phủ” của các lò gạch thủ công. Toàn xã có đến 24 lò gạch thủ công đang hoạt động, tập trung tại ấp 1 và ấp 3. Các lò gạch đều là của các doanh nghiệp tư nhân, với diện tích mỗi lò cùng với khu nhà xưởng lên đến hàng ngàn m2, trong khuôn viên tràn ngập các loại gạch thành phẩm, đất bùn nguyên liệu, các loại than, ván củi để đốt… Hầu hết các lò gạch với quy mô khá lớn nằm lẫn giữa khu dân cư, có lò nằm ngay sát vách nhà dân, chỉ cách khoảng 5m đến 10m.

Khói bụi từ quá trình vận chuyển, sản xuất gạch thủ công đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại xã An Hòa trở nên đảo lộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em.

Bà Lê Thị Hường (người dân ở ấp 3, xã An Hòa) bức xúc cho biết: “Người dân chúng tôi sống ở đây hàng chục năm rồi. Chừng ấy năm bà con phải sống chung với khói bụi từ các lò gạch thủ công. Đường dân sinh trong ấp bị xe tải chở đất, chở gạch cày nát. Mùa nắng thì bụi mịt mù, mùa mưa đến thì đường sá lầy lội, giao thông đi lại rất khó khăn. Cũng vì bụi bặm như vậy nên người lớn, con nít trong ấp cứ mắc bệnh hô hấp miết”.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh tồn tại 142 lò gạch thủ công (140 lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch và 2 lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch). Các lò gạch thủ công này tập trung tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc và TP Biên Hòa. Trong số này, TP Biên Hòa là địa phương có số lò gạch thủ công còn hoạt động nhiều nhất, với 40 lò.

Chỉ đạo quyết liệt

Tại nhiều tỉnh, thành, lò gạch thủ công thường được xây dựng ở vùng nông thôn, xa khu dân cư, trái lại, ở tỉnh Đồng Nai, các lò gạch lại tồn tại đan xen tại những địa phương đông dân cư như các huyện, thành phố nêu trên.

Mới đây, khi tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các lò gạch thủ công, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai phát hiện trong 140 lò thì mới chỉ có 60 lò được duyệt cam kết bảo vệ môi trường, 80 lò còn lại hiện vẫn không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của các lò gạch thủ công hiện cũng tồn tại rất nhiều sai phạm trong công tác vệ sinh an toàn lao động. Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra, phần lớn lao động tại các lò gạch không có bảo hộ lao động, không được cam kết về bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, nguy cơ mất an toàn lao động tại các lò gạch thủ công cũng rất đáng lo ngại.

Tại cuộc họp về lộ trình xử lý lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh diễn ra vào cuối tháng 3/2017, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, bất kể là loại lò gì mà nằm gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì lập tức cho đóng cửa. Không thể để các lò nằm gần khu dân cư mà vẫn đốt rồi nhả khói dày đặc. Ông Vĩnh cũng lưu ý các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh cần phải rà soát lại các thủ tục liên quan đến hoạt động của các lò gạch thủ công như: cam kết bảo vệ môi trường, các quy định về an toàn lao động, quy hoạch sử dụng đất, nguồn đất sét để sản xuất gạch… Đặc biệt, phải tăng cường việc kiểm tra, những lò nào sử dụng vải vụn, vỏ lốp xe bằng cao su để đốt thì phải yêu cầu đóng cửa ngay. UBND tỉnh chỉ thị là trong năm 2018, các lò gạch thủ công phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Xóa bỏ lò gạch thủ công ở những khu dân cư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung là việc cần nhanh chóng thực hiện ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, để ổn định an sinh xã hội cho bà con lâu nay mưu sinh dựa vào những lò gạch này, tỉnh Đồng Nai cần có kế hoạch quy hoạch lại làng nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lò gạch thủ công và lao động trong các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề phù hợp, gắn sự phát triển kinh tế của địa phương đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, nhu cầu sử dụng gạch của Đồng Nai là 1,3 tỷ viên/năm, nhưng hiện gạch không nung chỉ mới sản xuất đạt 130 triệu viên/năm. Để đóng cửa tất cả lò gạch đất sét nung theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra, Đồng Nai sẽ phải đầu tư khoảng 60 dây chuyền sản xuất gạch không nung, mỗi dây chuyền có công suất 16 – 17 triệu viên/năm.