Gỡ khó về chi phí tài chính để tăng đầu tư năng lượng tái tạo ở châu Á

ThienNhien.Net – 5 năm trước, các dự án năng lương tái tạo ở châu Á phát triển bùng nổ. Châu lục này đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển các nguồn năng lượng khả thi và bền vững trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hiện các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo ngày càng giảm, do vậy chi phí tài chính là một thách thức lớn gây trở ngại cho sự phát triển của ngành này tại châu Á. Để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo như kỳ vọng, châu Á cần cắt giảm các chi phí tài chính thông qua các quyết sách của chính phủ và giảm chi phí nợ (lãi suất vay).

Từ phương diện chính sách

Trong quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo, chi phí và rủi ro vốn cổ phần bị chi phối bởi khả năng được ngân hàng cấp vốn. Đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khả năng được ngân hàng cho vay vốn một vấn đề được quan tâm đặc biệt, nhất là với thị trường đang phát triển như châu Á. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách khác, các nhà hoạch định chính sách của khu vực đều đang nỗ lực cải thiện nền kinh tế vĩ mô và khung chính sách bao gồm hệ thống quản trị, tính minh bạch, cung cấp tín dụng ưu đãi và nền tảng pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều cải cách chính sách khác để giảm thiểu chi phí tài chính. Chẳng hạn như các chính phủ và ngân hàng địa phương có thể phối hợp chặt chẽ hơn tổ chức đa phương hay các sáng kiến như như Quỹ Khí hậu Xanh để giải quyết hoặc cung cấp các hỗ trợ tài chính dài hạn để giảm thiểu lãi suất khoản vay. Đồng thời, chính sách cũng phải giải quyết được các rủi ro về tiền tệ – ví dụ các chính sách về chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm rủi ro.

Một hướng khác cũng cần chú trọng là trái phiếu xanh. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây đã ủng hộ phát hành những tờ trái phiếu khí hậu đầu tiên của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ở Philippines. Trong trường hợp cụ thể này, ADB đã cung cấp một công cụ nâng cao tín dụng, nâng mức xếp hạng trái phiếu lên mức cho phép người phát hành trái phiếu huy động vốn với mức lãi suất thấp hơn đáng kể.

Ảnh minh họa: CNBC

Khu vực tư nhân có thể làm gì?

Yếu tố chủ chốt cản trở sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại khu vực châu Á là chi phí nợ cao. Chi phí nợ góp phần làm tăng khoảng 30% vào tổng chi phí dự án tại các thị trường mới nổi.

Một vấn đề khác nữa là các đơn vị cho vay ở châu Á thường cấp vốn theo cơ chế lãi suất thay đổi. Điều đó khiến các dự án phải đối mặt với nhiều tình huống nằm ngoài dự kiến. Cung cấp các khoản trợ cấp lãi suất là một phương án để giảm thiểu thách thức này. Các khoản trợ cấp lãi suất có thể sẽ ít tốn kém hơn các cơ chế trợ giá – hiện là nguồn trợ cấp chính của thị trường ngày nay. Một giải pháp khả thi khác là trợ cấp lãi suất với sự trợ giúp của các đối tác quốc tế. Trong dài hạn, trợ cấp lãi suất được coi là hướng đi hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.

Việc huy động vốn cũng có thể được thực hiện với chi phí thấp và dễ dàng hơn thông qua chứng khoán hóa dòng tiền mặt, phương thức đang thịnh hành ở Hoa Kỳ và châu Âu. Rủi ro tiềm ẩn của hình thức này là một số công ty phát hành trái phiếu nhưng không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Hơn nữa, việc chứng khoán hóa dòng tiền mặt không thực sự phù hợp để giải quyết rủi ro từ hoạt động phát triển, xây dựng vì cần phải một khoảng thời gian dài, khi các công trình đi vào hoạt động mới có thể bắt đầu tạo ra doanh thu. Do đó, hiệu quả của hình thức này trong các thị trường châu Á vẫn chưa được kiểm chứng.

Hiện nay, nhu cầu về tín dụng tốt trong ngành năng lượng tái tạo ở châu Á rất lớn nhưng chi phí tài chính lại cao. Chẳng hạn, Công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió ReNew Power (Ấn Độ) đã bán ra 475 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm trên thị trường quốc tế và tỷ lệ đăng ký cao vượt mức, cho thấy nhu cầu về tín dụng tốt rất mạnh. Việc các công ty khai thác thị trường nước ngoài để huy động vốn trong khi có sẵn tín dụng từ thị trường nội địa thể hiện những thách thức liên quan đến chi phí khoản vay.

Giải pháp nào phù hợp với Châu Á?

Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hình thức tài chính phát triển ngoài khu vực châu Á. Tuy nhiên, chắc phải một thời gian dài nữa thì các thị trường châu Á mới bắt đầu áp dụng các hình thức này để giảm chi phí tài chính vì thị trường vốn ở nhiều nền kinh tế châu Á vẫn chưa trưởng thành như phương Tây.

Giải pháp có thể được thực hiện ngay ở thời điểm hiện tại là phát hành trái phiếu xanh. Từ góc độ chi phí, việc phát hành trái phiếu xanh rất hợp lý. Trên phương diện chi phí, phát hành trên 100 triệu USD là đủ lớn, đồng thời cũng đủ để thu hút sự quan tâm của các công ty bảo hiểm và đầu tư.

Nếu một dự án có khoản nợ 150 triệu USD, tương đương với tổng vốn khoảng 300 triệu USD bao gồm cả vốn cổ phần, thì với chi phí hiện tại, con số này tương đương với khoảng 250 MW của các dự án năng lượng tái tạo – một con số đáng kể.

Châu Á đang tụt lại phía sau trong phát triển năng lượng tái tạo, do vậy các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp ở châu Á phải tìm ra các giải pháp tài chính sáng tạo vượt lên trên việc cho vay thương mại thông thường để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Kiều Trang (Theo Brink News)