Cạo trọc rừng thuốc quý Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong khi hội nghị lớn về bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu Việt Nam cũng đang diễn ra tại Hà Nội, với nhiều phát biểu đau đáu và tâm huyết, thì tại tỉnh biên giới Cao Bằng, dược liệu quý bị khai thác ồ ạt đem bán sang Trung Quốc, trước sự ngơ ngác, bất lực của cơ quan chức năng.

gười dân ở xóm Lũng Rịch, xã Lương Thông, huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng) leo núi đi hái dược liệu về bán cho người Trung Quốc (Ảnh: L.Q)

Chúng tôi có mặt ở xã Lương Thông, huyện Thông Nông vào một ngày cuối tháng 3/2017. Đường vào xã hiểm trở, cao vời, bùn nhão nhoe nhoét. Những bản xa xôi như Tả Bốc, Lũng Rịch, chỉ mới khai sơn phá thạch, vừa được thông đường để xe hai cầu đặc chủng có thể leo vào. Vậy mà những thương lái đã len lỏi chi phối thị trường thu mua dược liệu từ lâu.

Tại sân nhà, Bí thư chi bộ bản Lũng Rịch, chị Triệu Thị Trang, kể: “Bà Thiết (một thương lái nhà ở ngoài thị trấn) đầu tư tiền, đầu tư cả những bao tải chi chít chữ Trung Quốc này vào cho tôi thu mua dược liệu”. Bà con trong xã đi rừng lấy cây thuốc kiếm ăn. Giá thu mua chỉ hơn 1 nghìn đồng/kg, đến dưới 7 nghìn đồng/kg, đủ loại cây họ yêu cầu. Nhiều cây là thuốc quý, bà con biết, vặt trụi đem bán cũng tiếc. Song, nếu giữ cây ở trong hốc đá thì làm sao moi được tiền từ cái túi to đùng mà bà Thiết đang đeo. Thế là chị Trang cũng đi lấy, bán.

Nhiều cây, thương lái Trung Quốc đưa cho bà Thiết vài lá, vài cọng, vài cây nho nhỏ để “làm mẫu”. Dúi cho ít tiền. Thế là đem giơ cho bà con vùng cao xem. “Ra lệnh” rằng đi lên rừng lấy nhé, về tôi thu mua bao nhiêu cũng hết. Họ cứ “giơ” ra cây nào, là y rằng một thời gian sau, lực lượng đông đảo người nghèo lại túa đi, cạo trọc thứ cây ấy ở rừng.

Bí thư Trang bảo, củ này chữa đi ngoài, cây này chữa đau bụng đau lưng, nhức xương khớp. Suốt bao năm bán cho thương lái Trung Quốc, nhìn những núi bao tải in bằng thứ chữ mình không đọc được đang nằm chình ình ở nhà mình mà đột ngột họ chả thu mua nữa, chị Trang ngẫm lại càng thấy hoang phí quá. “Lúc mình đau bụng, con cái đau lưng ỉa chảy, không có cây thuốc mà tự chữa trị, thấy trách mình lắm nhà báo ạ. Bây giờ bà con biết sợ, biết tự giận mình rồi”, chị nói.

Một kho dược liệu chuẩn bị xuất lậu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, số người “giác ngộ” được như chị Trang và bà con ở xóm Lũng Rịch quá ít ỏi. Bà con vẫn lùng kiếm cây thuốc đem bán. Chúng tôi theo bà con lên rừng. Đi đến toạc máu chân từ sáng đến trưa, rừng trọc lốc, nắng như đổ lửa, vẫn chưa tìm được một túm dược liệu mà thương lái cho xem mẫu. Núi đá tai mèo xám ngoét, thung lũng sâu rợn người, từng nhóm chị em người Dao, người Tày ở Thông Nông leo xuống. Họ dùng những cây gậy gỗ nhọn, rúc người vào hốc đá, lùa gậy chọc vỡ một cái củ to bằng cái bát con. Củ vỡ toác, họ chọc vào để lôi từng miếng lên.

“Trước đây, một ngày có khi đi thu được cả gánh, giờ cả ngày chỉ được một vài lạng là nhiều. Suốt vài năm qua, đến năm ngoái, cứ vài ngày họ lại chở đi một vài ô tô tải to cái cây này đi. Đến bây giờ thì ở cả trên núi cao cũng chả còn cây nào nữa rồi”, chị Trịnh Thị Khe buồn rầu nói.

Kho dược liệu bị Trung Quốc ngừng thu mua, bà con bỏ thành đống ở Thông Nông.

Mặc xác rừng

Trong khi rừng bị cạo trọc từng cọng lá, từng củ, rễ, từng quả xanh, thì ở các vựa thu gom, cây dược liệu chất cao như núi. Trong vai người mới vào nghề thu gom cây thuốc về chế biến kiếm lời, chúng tôi vào nhà bà Thiết nhà ở thị trấn Thông Nông. Cặp vợ chồng này người dưới xuôi lên Cao Bằng làm chủ vựa thu dược liệu bán sang Trung Quốc đã lâu.

“Các em muốn mua dược liệu gì phải mang mẫu đến. Sẽ có ngay. Bà con ở đây họ gọi cây bằng tên địa phương, khác tên trong sách vở, hai bên sẽ không hiểu nhau đâu. Bất kỳ hàng nào Trung Quốc muốn đặt thu mua, chúng tôi đều mua được hết. Hàng này đều nhập sang Trung Quốc, họ sơ chế “phù phép”, rồi bán ngược sang cho người Việt Nam”, bà Thiết nói. “Cứ thu gom, đầy xe tải là chúng tôi đem bán thôi. Rừng bị cạo hết cây, thì mặc xác rừng. Việc gì phải lo. Cứ có lợi nhuận là buôn thôi. Nếu mua, chúng tôi làm giấy tờ cho đi khắp cả nước được hết. Vì đây là cửa rừng”, bà khoe.

Chồng bà Thiết sang sảng: “Có tháng tao xuất hơn 30 xe, mỗi xe 10 tấn dược liệu luôn. Đầu năm ngoái, “tao” bán sang Trung Quốc 110 tấn dược liệu trong chưa đầy một tháng”. Bà Thiết phụ họa với chồng: “Có loại hàng, có khi vừa đưa mẫu cây, người ta đi đào đi hái rầm rộ, hàng về ào ào chật hết cả nhà. Đến mức, phải nói khó với cán bộ, cho chúng tôi “xuất” hàng trong đêm thì mới kịp”. “Tao làm “hàng dược liệu” này 20 năm rồi, có cây 5 triệu đồng/kg, có cây 5 nghìn đồng/kg, tao buôn tất”, ông này vỗ ngực. Trong nhà bà Thiết, còn có cả một “núi” gỗ nghiến đã xẻ thành súc, cắt thành thớt để chuẩn bị xuất sang bên kia biên giới.


Cả một góc nhà toàn cây dược liệu quý, các đối tượng đầu tư tiền, bao tải chữ Trung Quốc, đề nghị bà con lên rừng lấy cây quý về cho họ.

Dự phiên chợ huyện Thông Nông, chúng tôi tiếp tục vào vai người đánh xe tải từ Ninh Bình lên thu mua dược liệu về công ty nam dược để làm ăn to. Tại gốc đa ở chợ huyện, một bà chủ buôn gạo tên Hòa còn cho biết: bây giờ bà con đi rừng khổ lắm mới tìm được một bó cây nhỏ, đem bán kiếm vài nghìn đồng đong gạo. Những cây giá vài triệu đồng/kg tươi thì cực hiếm. Mỗi phiên chợ, họ thu gom thêm, để chở sang bên kia biên giới mỗi lần vài xe tải. Được biết, phải “làm luật” với cán bộ quản lý.

Đúng phiên chợ huyện Trà Lĩnh, nườm nượp xe tải, xe máy, xe tự chế chở các cây dược liệu đến và bán cho tư thương, người Việt có, người Trung có. Có người còn sử dụng bảng giá bằng chữ Trung Quốc, mua bằng tiền Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc khi thu gom dược liệu giữa ban ngày. Có xe máy ào ào chở cây dược liệu đi thẳng từ khu vực mua bán… sang bên kia biên giới, không gặp cản trở nào. Quá bất ngờ, chúng tôi trao đổi với lực lượng Hải quan cửa khẩu và Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng. Câu trả lời của lãnh đạo đơn vị này còn đáng ngạc nhiên hơn, là ít nhất trong 3 năm qua, cơ quan này không thông quan cho bất cứ xe dược liệu nào xuất bán sang Trung Quốc.

Bà Thiết, một người ở Thông Nông, chuyên thu gom hàng dược liệu bán sang Trung Quốc.

Hình ảnh cảnh tấp nập mua bán, ào ào “xuất ngoại” dược liệu, do chúng tôi quay, được chiếu tại phòng làm việc trở thành “câu hỏi khó” khiến các cán bộ lúng túng. Một người thật thà: “Nhìn những cái cây họ khai thác, chúng tôi còn chưa biết nó là cây gì, nhìn danh mục có cái tên cây bị cấm theo nghị định nó dài loằng ngoằng, cũng chẳng hiểu cây ấy có mặt ở tỉnh ta không – thì làm sao mà… giữ chúng được?”.

Nhiều dược liệu quý có nguy cơ tuyệt diệt

Theo “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, thống kê năm 1997, cả nước có tới 2.300 cây thuốc có giá trị, nhiều cây quý hiếm. Từ năm 1963 -1973, tại Cao Bằng, có gần 700 loại cây thuốc quý. Theo Hội Đông y Cao Bằng, nhiều cây thuốc có giá trị đặc biệt đã đứng trước nguy cơ tuyệt diệt, như: Thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, hoàng đằng, ba kích, hà thủ ô, thanh thiên quỳ…