Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác hoàn toàn mang tính nhân văn

ThienNhien.Net – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã kết luận dự án giao cho Công ty TNHH Viễn Đông không chồng lên vỉa V24, không có than phía dưới như “đồn thổi”. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác của doanh nghiệp này hoàn toàn hướng tới tính nhân văn.

Như Báo Xây dựng đã phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép Cty TNHH Viễn Đông (có địa chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh) đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên vùng đất nghi là có than. Rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục điều tra để đảm bảo tài nguyên khoáng sản của Nhà nước không bị thất thoát cũng như quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nhận thấy: Thực tế, chủ trương của Cty TNHH Viễn Đông là hoàn toàn mang tính nhân văn bởi tốc độ đô thi hóa ở Quảng Ninh đang tăng một cách chóng mặt, nhưng không có doanh nghiệp nào đầu tư vào xử lý rác thải. Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Quảng Ninh cũng đã kết luận phía dưới lòng đất, khu vực được giao cho Cty TNHH Viễn Đông không có than như “đồn thổi”.

Hiện trạng mặt bằng nhà máy xử lý rác thải Viễn Đông chỉ là vạt đồi, khó có thể bảo đây là khai trường khai thác than được

Qua điều tra, phóng viên được biết: Tại cuộc họp liên ngành giữa các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Viễn Đông, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam về việc cấp đất xây dựng Dự án nhà máy xử lý rác thải, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cho biết Vỉa than V24 thực tế đã được các cơ quan chức năng cấp phép cho Cty than Hồng Thái (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) quản lý và thăm dò khai thác từ mức + 30 trở lên đến lộ vỉa đã kết thúc khai thác vào năm 2013. Tại cuộc họp liên ngành, các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh do Sở Xây dựng chủ trì có sự tham dự của Công ty TNHH Viễn Đông và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã thống nhất như sau: 1. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Trung Lương (thị xã Đông Triều) không chồng lấn lên Vỉa 24 của Công ty than Hồng Thái – TKV (vì đã kết thúc thăm dò khai thác); 2. Trong quá trình đào đất, tạo mặt bằng để làm dự án, nếu phát hiện có than mà Công ty than Hồng Thái khai thác chưa hết thì doanh nghiệp phải thu gom và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời chỉ đạo hướng giải quyết, giải pháp giao toàn bộ số than (nếu có) cho Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam theo các quy định của pháp luật; 3. Thành lập Ban giám sát xây dựng nhà máy xử lý rác thải và quản lý tài nguyên (nếu có), thành phần gồm các phòng, ban liên quan của thị xã Đông Triều, UBND xã Tràng Lương, Công ty than Hồng Thái – TKV, Công ty TNHH Viễn Đông.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: việc các cơ quan chức năng của địa phương lập đoàn kiểm tra, giám sát quản lý khoáng sản là việc cần thiết, minh bạch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cũng như các hoạt động bảo vệ khoáng sản của Nhà nước được tốt hơn. Hiện tại, cũng chưa thể nói là doanh nghiệp được ưu ái gì cả bởi lĩnh vực họ làm là xử lý rác thải. Đây là một lĩnh vực khó khăn trong vấn đề môi trường. Lĩnh vực này cần vốn đầu tư lớn nên cần phải được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nam, một cán bộ của Công ty TNHH Viễn Đông (Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết: Thực hiện lời mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ninh, Doanh nghiệp Viễn Đông đã tiến hành xin chủ trương và làm các thủ tục đầu tư Dự án và đã khai trương công bố thông tin trước các cơ quan thông tấn báo chí và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Vì sao lại phải để Dự án ở nơi khuất nẻo, đại diện Công ty TNHH Viễn Đông cho hay: Đối với vị trí dự án nhà máy xử lý rác thải, địa phương sắp xếp địa điểm để chủ đầu tư tiến hành đầu tư, còn việc bảo ở bên dưới khu vực triển khai dự án có than hay không thì doanh nghiệp không nắm được. Việc này phải do các cơ quan chức năng có chuyên môn, thẩm quyền kết luận, chứ không thể nói “vu vơ” được.