Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền: Không thể làm ồ ạt

ThienNhien.Net – Những năm vừa qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã từng bước phát triển, bước đầu được công nghiệp hóa, phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang giảm dần và bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.

Muốn thay đổi ngành nông nghiệp, phải bắt đầu từ người nông dân (Ảnh minh họa: KT)

Tại Diễn dàn Nông nghiệp mùa Xuân 2017 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp Liên minh Nông nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Oxfam Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Các diễn giả tập trung thảo luận về các thể chế hiện hành ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời chỉ ra những “nút thắt” đang cản trở những bước tiến trong nông nghiệp như: sản xuất manh mún, nông nghiệp hàng hóa chất lượng thấp, sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen…

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thành viên Liên minh Nông nghiệp nhấn mạnh: Một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế, bao gồm các thể chế chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…).

Cần xóa bỏ tư duy: Nghèo mới làm nông nghiệp

Chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, GS TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, muốn thay đổi ngành nông nghiệp, nếu chỉ dựa vào tích tụ ruộng đất, thay đổi chính sách hạn điền thì chưa đủ, mà còn phải bắt đầu từ người nông dân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: Tuổi Trẻ)

GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: “Tôi rất mừng khi Nhà nước đầu tư vào công nghệ cao, nhưng trở ngại lớn về đất đai, cây trồng và con người đã và đang khiến nông nghiệp Việt Nam khó khăn, không thể bứt phá”.

Chuyên gia này nêu thực tế: Ở Mỹ, chỉ có những người nông dân được đào tạo, có trình độ mới tham gia sản xuất nông nghiệp. Còn tại Việt Nam, nghề nông là cha truyền, con nối, sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen. Con em nông dân đi học, ít người quay trở lại làm nông, do đó khu vực nông nghiệp được xem là nghèo nhân lực, khó áp dụng mô hình mới, công nghệ mới…

Về tích tụ ruộng đất, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, quá trình tích tụ ruộng đất cần bảo vệ quyền tài sản của người dân, người dân phải được ký thuê lại đất sản xuất để canh tác và quyền lợi của họ phải được đảm bảo.

TS. Lê Đăng Doanh dẫn ví dụ ở Đài Loan (Trung Quốc): Khi tích tụ ruộng đất, người dân được quyền đồng sở hữu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nông dân khi bán đất được một “cục tiền”, còn sau đó không có đất để sản xuất, đất dồn vào tay “đại gia”.

Theo nhận định của TS. Andrew Wells Dang, chuyên gia cao cấp của tổ chức Oxfam Việt Nam, nông nghiệp đóng góp một phần tỷ trọng GDP và lợi nhuận của ngành này thường thấp hơn khi so sánh với các hoạt động kinh tế khác. Việt Nam lại chú trọng vào công nghiệp hóa, được đánh đồng với hiện đại hóa. Nông nghiệp được coi là trì trệ, thậm chí là “lạc hậu”, là nghề mà chỉ những người nghèo mới làm vì họ không có lựa chọn công việc nào khác.

TS. Andrew nhấn mạnh: Để đưa tầm nhìn về một nền nông nghiệp bền vững, cần củng cố sự hợp tác hiện tại giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các Viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông tạo nên xã hội dân sự và các doanh nghiệp nông nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề. Đặc biệt cần có tiếng nói của những người nông dân trong các cuộc thảo luận kỹ thuật và chính sách.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, thể chế nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu…, cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc chất lượng thấp, chế biến thô; các thể chế quan trọng liên kết như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại.

Không những thế, các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững…, ông Tiến cho hay.

Nông nghiệp lạc hậu, có nên “đập đi xây lại”?

Đề cập vấn đề tích tụ ruộng đất hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lơn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm: Cách mạng công nghệ đã, đang và sẽ thay đổi năng lực của người nông dân, không phụ thuộc vào quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Chính vì thế, phải thay đổi tư duy, đào tạo người nông dân để vừa hiện đại hoá nông nghiệp, công nghệ hoá sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc.

TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý: Nền tảng nông thôn Việt Nam là sản xuất nhỏ nên cần kết hợp sản xuất hàng hóa và cả tự cung tự cấp nữa, không thể chỉ dựa vào doanh nghiệp lớn được. Hơn nữa, nông thôn đang chứa đựng di sản lớn của dân tộc về văn hoá, tín ngưỡng, ẩm thực, sự đa dạng về giống, loài… Chính vì vậy, phải kết hợp vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch, khai thác lợi thế song song, tương đồng.

Ông Nghĩa lý giải: Nông nghiệp gắn với văn hóa xã hội, có dân tộc thiểu số, có ẩm thực. Chúng ta có di sản lớn của nông nghiệp, nên phát triển cần đi liền bảo tồn và phát huy chứ không thể “đập đi, xây lại”.

Người nông dân vẫn phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” trong chuỗi sản xuất quy mô lớn (Ảnh minh họa: KT)

 

Thời buổi cách mạng công nghệ đã đang và sẽ làm thay đổi năng lực của người nông dân, không phụ thuộc vào mô hình lớn hay nhỏ. Chính vì thế, theo chuyên gia kinh tế này, cần phải thay đổi tư duy, đào tạo người nông dân để vừa hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệ hóa sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc.

TS. Nghĩa phân tích: Ở nông thôn luôn tồn tại doanh nghiệp nhỏ, tiểu hộ, thợ thủ công… Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì không thể có doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp được. “Chúng ta không thể hiện đại hoá, lớn hóa ngành nông nghiệp hàng hóa khi chỉ tập trung vốn và phát triển cho doanh nghiệp lớn, cần phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, tiểu hộ phát triển” ông Nghĩa nói.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp Mua xuân 2017, nhiều đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ nông dân. Cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, cần định hướng và xây dựng thể chế cho ngành nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và thu nhập cho người nông dân; nông nghiệp xanh, sạch ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp sử dụng nguồn lực tiết kiệm và nông nghiệp thông minh, công nghệ cao. Một yếu tố then chốt nữa là tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và lợi ích của hộ nông dân trong sử dụng ruộng đất, chế định rõ cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền đó trong cơ chế thị trường.