Tìm kiếm giải pháp xử lý chất thải công nghiệp

ThienNhien.Net – Chôn lấp chất thải công nghiệp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và vì lẽ đó vấn đề xử lý rác thải công nghiệp cũng trở thành một thách thức lớn. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 do Bộ TN&MT công bố, đối với khu vực sản xuất công nghiệp, lượng chất thải rắn phát sinh xấp xỉ 4,7 triệu tấn/năm. Chất thải chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp lộ thiên hoặc lò đốt công nghiệp.

Tác động không mong muốn

Tại Việt Nam, chôn lấp chất thải công nghiệp vẫn còn phổ biến vì ưu điểm nhanh, gọn lẹ; phương pháp xử lý đơn giản, chi phí đầu tư, xử lý thấp. Điều đó kéo theo giá thành xử lý rác khá mềm, giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tại hội nghị môi trường toàn quốc năm 2015, các chuyên gia cho biết tính đến năm 2013, cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải rắn quy mô trên 1 ha. Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn bãi chôn lấp quy mô nhỏ chưa được thống kê đầy đủ. Nếu không thực hiện phân loại rác tại nguồn, các bãi chôn lấp dường như trở thành môi trường rác thải tổng hợp, từ các loại rác sinh hoạt, chất thải điện tử, dung môi công nghiệp đến những loại rác có chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, asen, cadimi, chì… Tại Việt Nam, các bãi chôn lấp chất thải đều phải tuân thủ theo quy định an toàn. Bởi lẽ nếu chúng ta không đảm bảo quy trình, chất thải chôn lấp sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Đơn vị xử lý chất thải công nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn môi trường.

Chất thải công nghiệp được chôn lấp sẽ trải qua khâu ủ rác, quá trình phân hủy sẽ xuất hiện mùi hôi, ruồi bọ, nước rỉ rác… gây ô nhiễm môi trường. Theo làn gió, chúng phát tán vào không khí, thấm dần vào đất, gây ô nhiễm các mạch nước ngầm. Báo cáo hiện trạng môi trường 2011-2015 cũng có nêu trong số các bệnh tật gây ra bởi ô nhiễm môi trường có bốn nguyên nhân bệnh chủ yếu gồm tiêu chảy; nhiễm trùng đường hô hấp dưới; tai nạn, thương tích; bệnh sốt rét.

Theo thống kê của Bộ Y tế, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Các bệnh thường gặp là tiêu chảy do virus Rota, dịch tả, thương hàn, viêm gan, viêm não, giun sán, đau mắt hột, các bệnh do muỗi truyền… Còn tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, Anh, kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra từ các bà mẹ sống gần bãi chôn lấp có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, các bãi chôn lấp còn có thể làm giảm chức năng hệ miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, hen suyễn và nhiều hệ lụy khác.

Cần giải pháp thay thế

Theo ông Nguyễn Công Đồng, Giám đốc Geocycle Việt Nam, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp, các quốc gia trên thế giới từ rất lâu đã có những hành động cụ thể để tìm kiếm giải pháp thay thế do ý thức được tác động của việc chôn lấp. Tại Anh, năm 1996, chính phủ nước này đã áp dụng tăng thuế cho việc chôn lấp. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải tự tìm nhiều cách xử lý chất thải công nghiệp khác nhau để tiết kiệm chi phí. Từ dữ liệu chính phủ nước này cho thấy sự tác động của thuế và chuyển hướng chính sách đã mang lại hiệu quả khi lượng rác thải công nghiệp chôn lấp đã giảm từ 100 triệu tấn năm 1997 đến dưới 30 triệu tấn vào năm 2013.

Các bãi chôn lấp cần quỹ đất rất lớn để có thể gồng mình chứa được lượng rác thải công nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích công cộng, đảm bảo an cư cho người dân ngày càng nhiều. Từ bài học lâu đời của các quốc gia khác, chúng ta hiểu rằng sự mạnh tay từ các chính sách kết hợp với tính tự giác, tự chuyển mình của doanh nghiệp là quan trọng hơn hết.
Có thể nhiều chục năm trước, chôn lấp là công nghệ tiên tiến. Thế nhưng nó đã không còn phù hợp trong thời đại mới. Các bãi chôn lấp đã phát huy thế mạnh và hoàn thành sứ mạng của mình. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần một giải pháp mới thay thế, tiên tiến, triệt để và bền vững hơn?

Nguồn: