Vẫn còn kẽ hở trong quản lý khai thác than tại một số tỉnh

ThienNhien.Net – Qua công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng, Bộ Công Thương đã chỉ ra những thiếu sót, kẽ hở trong công tác quản lý khai thác than hiện nay, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao các địa phương khoanh định các vùng khai thác, thực hiện quản lí hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Phối hợp tạo tính liên kết vùng giữa các địa phương trong việc quản lý khai thác than (Ảnh: minh họa)

Tinh vi các thủ đoạn khai thác than trái phép

Qua kiểm tra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác của Bộ Công Thương nhận thấy còn có hiện tượng các cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lí, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để khai thác than trái phép.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lí 31 lượt điểm đào bới khai thác than trái phép; Tổng Công ty Đông Bắc đã phối hợp xử lí 9 điểm đào bới khai thác than trái phép. Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, một số khu vực có thể có nguy cơ khai thác, kinh doanh than trái phép với quy mô nhỏ lẻ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, vẫn còn tồn tại một số hiện tượng vận chuyển than trái phép trên đường quốc lộ, sử dụng phương tiện vận chuyển gắn biển hiệu, logo giả; tình trạng lập các bến bãi để chế biến tại các địa bàn giáp ranh với Quảng Ninh (Hải Dương, Hải Phòng) vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tái diễn hoạt động kinh doanh trái phép.

Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, bụi bẩn, nước xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, bồi lấp sông suối. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tồn khối lượng xít than ước tính hàng triệu tấn đang được quản lý tại các mỏ, không được sử dụng gây khó khăn cho các mỏ về bãi chứa và công tác quản lý.

Còn theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 7/9/2016, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra và xử lí 12 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh than với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 274 triệu đồng, tịch thu trị giá 480 triệu đồng. Tỉnh Bắc Giang cũng chưa có quy hoạch bến cảng, kho bãi kinh doanh.

Trên địa bàn TP Hải Phòng, trong 9 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 20 vụ kinh doanh, vận chuyển than với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng, tịch thu 21.477 tấn than các loại và bán phát mại với giá trị gần 12 tỷ đồng.

Trong khi đó, UBND TP Hải Phòng đã thành lập ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng chức năng của Ban chỉ đạo đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh than trên địa bàn.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 20 vụ kinh doanh, vận chuyển than với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng, tịch thu và phát mại với giá trị gần 12 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 80 cơ sở kinh doanh than với quy mô trên 50 tấn/tháng. Theo kết quả kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh than chưa cập nhật kịp thời, hiểu rõ và nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp được kiểm tra không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, văn bản chứng minh nguồn gốc than, văn bản chứng nhận phòng chống cháy nổ…

Thiếu cơ chế phối hợp, quản lý giữa các địa phương có khoáng sản

Xác định nguyên nhân của những tồn tại này, Bộ Công Thương cho rằng, do công tác phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên giữa một số đơn vị ngành than với các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương ở một số thời điểm còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển, kinh doanh than còn chưa đồng bộ, liên tục.

Công tác kiểm tra của các địa phương chưa thường xuyên, liên tục; đặc biệt là việc kiểm tra xử lý những vi phạm, điều kiện kinh doanh than thiếu kiên quyết, biện pháp xử lý chưa đủ mạnh.

Trong ranh giới các đơn vị của ngành than được giao quản lý, bảo vệ và khai thác còn nhiều diện tích chưa được cấp phép khai thác, trong đó có những phần diện tích nằm chồng lấn, đan xen với diện tích nhà, vườn – rừng của người dân thuộc quản lý của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nhau. Nên rất khó tránh khỏi vi phạm lén lút khai thác ở quy mô nhỏ. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ tài nguyên chưa khai thác tại các khu vực nêu trên rất phức tạp.

Các dự án vườn rừng, khai thác đất san lấp, dự án hạ tầng… của địa phương đan xen với diện tích quản lý tài nguyên của các đơn vị ngành than, tiềm ẩn nguy cơ khai thác than trái phép.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra các bãi tập kết, mua bán than trái phép… Sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo đủ điều kiện phát triển ngành than theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đối với than theo quy định (đặc biệt là khu vực lộ vỉa than nhỏ lẻ trong ranh giới các mỏ than nằm xen kẽ trong các khu dân cư đã giao cho ngành than quản lý, khai thác) làm căn cứ để cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Với các địa phương có hoạt động khai thác và kinh doanh than như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương này phối hợp tạo tính liên kết vùng giữa các địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh than.