Rét hại kéo dài gây thiệt hại nặng cho người dân Sa Pa

ThienNhien.Net – Đợt rét hại kéo dài trong hơn một tuần qua (từ ngày 8 đến 14-2) tại Sa Pa, nhiệt độ ở mức 4-8 độ C kèm theo mưa phùn và gió bấc thổi mạnh đã làm chết nhiều gia súc của người dân thuộc tám xã của huyện Sa Pa (Lào Cai).

Trâu ở Sa Pa bị chết do rét hại kéo dài

Theo thống kê của Phòng kinh tế huyện Sa Pa, rét hại đã làm chết 27 con trâu của người dân ở 23 thôn bản, thuộc tám xã vùng cao. Thiệt hại nặng nhất là các xã Sa Pả, Tả Phìn, Trung Chải…

Ông Nguyễn Tiến Thành – Trưởng phòng kinh tế huyện Sa Pa cho biết: “Gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu già và nghé non dưới một tuổi, do sức đề kháng kém”.

“Rét hại kèm theo mưa kéo dài làm cho cỏ, cây bụi bị trụi lá, chết lụi, do đó rất khan hiếm nguồn thức ăn tự nhiên cho trâu, bò, ngựa. Mặc dù người dân đã dự trữ rơm khô, ủ thức ăn chua dự phòng cho gia súc nhưng trâu vẫn bị chết do thiếu thức ăn tự nhiên và bị giảm sút sức đề kháng khi nhiệt độ môi trường xuống quá thấp, kéo dài nhiều ngày” – ông Thành cho biết thêm.

Người dân mổ thịt trâu bị chết rét, đứng bán cạnh quốc lộ 4D từ Lào Cai lên Sa Pa

Trâu bị chết rét, người dân mổ thịt mang ra quốc lộ 4D và TP Lào Cai để bán, nhằm “vớt vát” phần nào. Ông Giàng A Sử, ở thôn Chu Lìn, xã Trung Chải cho biết: “Bình thường, con trâu khoảng hai tuổi như thế này mà sống thì bán được khoảng gần 20 triệu đồng, nhưng bị chết rét đem xẻ thịt bán thì chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng thôi, thiệt hại rất là lớn”.

Người dân cho trâu ăn thức ăn khô dự trữ và ăn muối để tăng sức đề kháng chống rét

Để hạn chế gia súc bị chết do rét hại, chính quyền huyện Sa Pa khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống rét tích cực như: Nuôi nhốt trong chuồng trại, không thả rông; dự trữ thức ăn khô cho gia súc; cho gia súc ăn thêm thức ăn tinh bột như ngô, cám gạo, sắn nghiền… để tăng sức đề kháng; di chuyển trâu xuống vùng thấp tránh rét…