Bảo vệ đa dạng sinh học các vùng đất than bùn ĐBSCL

ThienNhien.Net – Ngày 26/10, tại Cà Mau, Tổng cục Môi trường phối hợp với Vườn quốc gia U Minh Hạ (VQG UMH) tổ chức Hội thảo về bảo vệ đa dạng sinh học vùng đất than bùn vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ thực hiện dự án “Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á” (gọi tắt là dự án Peatlands) năm 2012 nhằm trình diễn, thực hiện và mở rộng quản lý bền vững và phục hồi đất than bùn ở Đông Nam Á.

Dự án Peatlands tập trung vào các hoạt động chính là tăng cường năng lực và khung thể chế cho quản lý bền vững đất than bùn; giảm thiểu suy thoái đất than bùn; quản lý tổng hợp và phục hồi các vùng đất than bùn đã được lựa chọn; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào công tác quản lý đất than bùn một cách bền vững.

(Ảnh: vea.gov.vn)

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về công tác bảo vệ tài nguyên trên vùng đất than bùn của Việt Nam và trường hợp của vùng U Minh, kinh nghiệm thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm của VQG U Minh Thượng, một số phát hiện mới về hệ thực vật tại VQG U Minh Hạ, một số hoạt động của dự án phục hồi và sử dụng bền vững tài nguyên đất than bùn vùng U Minh trong tương lai, giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong vùng đất than bùn, vấn đề cộng đồng vùng đệm đối với công tác bảo tồn và phục hồi tài nguyên đất than bùn …

Các đại biểu đã đề xuất một số hoạt động nhằm bảo tồn và phục hồi vùng đất than bùn như: không để vùng đất than bùn quá ngập nước suốt năm, tạo thêm các hồ chứa lớn để chủ động chống cháy rừng vào mùa khô, tăng cường công tác quản lý đất than bùn có sự tham gia của cộng đồng, tăng cường truyền thông về giá trị môi trường và tài nguyên tự nhiên của vùng đất than bùn, tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ quản lý…

Các vùng đất than bùn nhiệt đới thường được hình thành giữa các dòng sông ở các vùng đất thấp ven biển hoặc các vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt. Chất hữu cơ bị phân hủy không hoàn toàn tích tụ qua hàng ngàn năm do thiếu oxy trong điều kiện bị ngập nước để tạo nên than bùn, một loại đất được xác định có chứa ít nhất 65% chất hữu cơ. Các khu rừng phát triển trên các vùng than bùn này được gọi là rừng đầm lầy than bùn. Thuật ngữ “đất than bùn” bao gồm các khu rừng đầm lầy than bùn và toàn bộ diện tích đất than bùn đã bị chuyển đổi vì mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc các mục đích sử dụng khác, hoặc đã bị suy thoái và không còn rừng che phủ.