Lãng phí tài nguyên dược liệu

ThienNhien.Net – Sẽ quy hoạch để trồng, thu hái, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn quốc tế để dược liệu (DL) Việt Nam có chất lượng cao hơn là mục tiêu ngành dược đang hướng tới.

Sản xuất thô sơ

Theo TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhận định, mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 100.000 tấn DL nhưng nguồn dược liệu trong nước mới chỉ được 25.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu. “Đây là sự lãng phí tài nguyên lớn khi Việt Nam có tới 4.000 cây thuốc” – ông Cường nói.

Ông Phùng Minh Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex nhận định, DL nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc, nguồn gốc không xác định nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Theo ông Dũng, Việt Nam phải nhập khẩu 80% DL là rất phi lý. Vì nguồn DL của Việt Nam dồi dào, tiềm năng phát triển vùng trồng DL trên cả nước là rất lớn như Hà Giang đang có dự án trồng 12.600ha DL trên 6 huyện nghèo; Bắc Giang có hơn 129.000ha đất nông nghiệp, 110.000ha đất lâm nghiệp có môi trường trồng DL rất tốt nhưng hiện mới trồng 500ha DL; Quảng Ninh có hơn 600 loài DL có thể phát triển tốt…

Kiểm tra dược liệu tại Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư.  ảnh: Diệu Linh

Nhận định về tiềm năng phát triển nguồn DL trong nước, TS Cường nhận định, dù đa dạng về cây thuốc, thuận lợi về môi trường nhưng Việt Nam đang thiếu các quy trình chuẩn để trồng trọt và thu hái DL có chất lượng. Hiện trong hàng trăm loại DL đang được trồng chỉ mới có gần 20 cây đạt tiêu chuẩn chất lượng  GACP-WHO – tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Phó Giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Ơn – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Dược DK Pharma (Bộ Y tế) cũng nhận định, công nghệ thu hái, sơ chế DL hiện nay rất thô sơ, chủ yếu là người dân tự thu hái, thái lát, phơi khô, phơi nắng, sấy bằng than đá. Không ít vùng phơi ngay trên đường đi, gần khu vực mất vệ sinh. Nguồn gốc xuất xứ cũng chỉ ghi sơ sài một chữ là “Nam”.

Theo Phó Giáo sư Ơn, không nên khuyến khích người dân trồng DL một cách ào ào, “trồng DL để giàu nhanh” mà cần có sự đầu tư, phát triển đồng bộ, giúp người dân nuôi trồng DL một cách bài bản, tuân thủ quy chuẩn từ việc trồng đến việc thu hái, bảo quản.

Cần đầu tư công nghệ chiết xuất

Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2017 đã đưa nhiều điều khoản ưu tiên phát triển dược liệu trong nước; có chính sách quy hoạch, định hướng vùng nuôi trồng dược liệu; ưu tiên các doanh nghiệp dùng dược liệu trong nước, dược liệu tươi (thu hái và được sử dụng ngay); không chào thầu dược liệu nhập khẩu; nghiêm cấm xuất khẩu các dược liệu quý hiếm; có các chế tài nghiêm khắc đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng.

Cũng theo tiến sĩ Cường, Việt Nam cũng hạn chế nghiên cứu, phát triển thuốc từ DL trong nước, đặc biệt công nghệ chiết xuất hoạt chất thuốc từ DL rất kém. Có những dây chuyền khiến cho DL bị mất đi các hoạt chất, không khai thác được triệt để các loài thuốc quý. Ví dụ như cây sâm Ngọc Linh – loài sâm quý được tìm thấy ở Kon Tum, được nhiều nghiên cứu đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh không nhiều, chủ yếu được dân gian dùng để ngâm rượu. Cây thông đỏ Lâm Đồng – loài cây có các hoạt chất chữa được bệnh ung thư, tuy nhiên hiện nay loài cây này mới chỉ thu hái thô sơ, đa số người dân dùng lá để pha nước uống. “Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành DL nội thường cao, doanh nghiệp sản xuất đông dược cũng “ngại” dùng. Điều đó càng khiến cho nguồn DL trong nước đang bị lãng phí” – tiến sĩ Cường cho biết.

Phó Giáo sư Ơn cho rằng, thay vì chúng ta quản lý chất lượng “hậu kiểm” thì chúng ta quản lý quá trình sản xuất DL, theo tiêu chuẩn GACP. DL đạt GACP có nghĩa là giống chuẩn, trồng chuẩn không có dư lượng hoá chất độc hại, đảm bảo được chế biến, bảo quản đúng chuẩn. Bằng đấy thứ chuẩn thì DL nghiễm nhiên chuẩn. “Như vậy chúng ta kiểm soát chất lượng ngay từ đầu ra, thay vì “đuổi theo” kiểm nghiệm không biết bao nhiêu loại, lô DL khó mà kiểm hết” – Phó Giáo sư Ơn nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư Ơn, Trung Quốc đã dành 3 tỷ đồng để định lượng hoạt chất cho 1 loại DL. Nhân lên với khoảng 200-300 DL mà chúng ta đang sử dụng thường xuyên trong công nghiệp dược và đông y sẽ là số tiền khổng lồ. Do đó, thay vì đầu tư dàn trải, chúng ta nên lựa chọn những DL có vấn đề nhất, sau đó làm dần và hoàn thiện bộ “công cụ” đánh giá chất lượng.