Địa vị xã hội càng cao, sức đề kháng càng lớn

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới ở loài khỉ nâu cho thấy, sức đề kháng của chúng tỷ lệ thuận với địa vị trong đàn. Điều đó củng cố thêm niềm tin của nhiều nhà khoa học rằng trong xã hội loài người, những nhân vật có địa vị cao sẽ sở hữu hệ miễn dịch chống lại bệnh tật tốt hơn.

Địa vị làm thay đổi hệ miễn dịch

Các nghiên cứu trước đây cho thấy các yếu tố của lối sống như ăn kiêng, hút thuốc và tập thể dục có liên quan đến tình trạng tốt hay xấu của sức khỏe. Những người có địa vị thấp được cho là dễ bị tăng tiết hormone gây căng thẳng do áp lực xã hội, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh. Nghèo đói còn ảnh hưởng sâu hơn đến trí tuệ và sự phát triển của não bộ. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy môi trường thu nhập thấp có thể liên quan đến sự rối loạn thần kinh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu không thể khẳng định nguyên nhân là do người địa vị thấp ít được hưởng lợi ích về chăm sóc sức khỏe, khó kiểm soát tình trạng sống và bị nhiều áp lực khác hay chính sức khỏe kém kéo tụt địa vị xã hội.

Tuy đã có suy đoán rằng tầng lớp xã hội có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng có rất ít bằng chứng để khẳng định. Không thể tìm câu trả lời qua nghiên cứu về con người, bởi con người không thể tự ý gia nhập hay rời bỏ một tầng lớp xã hội.

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) đã đưa ra câu trả lời thú vị cho vấn đề trên sau khi nghiên cứu 45 con khỉ nâu. Họ thiết lập 5 nhóm khỉ – không có sự khác biệt về địa vị trong đàn, sau một năm thì trộn lẫn các nhóm này vào nhau, chuyển đổi trật tự. Lúc đó, những con khỉ ở trong nhóm từ trước có địa vị cao hơn những con mới đến.

Kết quả phân tích hàng ngàn gene trong mẫu máu lấy từ những con khỉ trên cho thấy, có hơn 1.600 sự khác biệt về gene giữa những con khỉ có địa vị cao và thấp, đặc biệt là trong các tế bào miễn dịch chống lại vi khuẩn và khối u.

Cụ thể, tế bào bạch cầu của những con khỉ có địa vị thấp khi được tiếp xúc với độc tố của vi khuẩn thì dễ bị nhiễm hơn những con khỉ địa vị cao. Nhưng khi địa vị được nâng lên, khả năng miễn dịch của chúng thay đổi: Các tế bào cũng có sức đề kháng mạnh như những con khỉ có cùng địa vị cao.

Yếu tố chăm sóc đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động đề kháng. Trong thực tế, những con khỉ thay đổi địa vị trong đàn được chăm sóc chu đáo hơn, sự căng thẳng giảm và điều này tác động tốt tới hệ miễn dịch.

“Thứ bậc trong đàn có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ miễn dịch của khỉ. Những con địa vị thấp nhất thường căng thẳng và dễ viêm nhiễm hơn; nhưng khi địa vị được nâng lên, chúng sẽ ít căng thẳng hơn và hệ miễn dịch thay đổi gần với những con khỉ địa vị cao” – trích báo cáo của nhóm nghiên cứu trên Dailymail.

Cơ hội đảo ngược sức đề kháng cho con người

Nhóm nghiên cứu cho rằng, kết quả trên có thể là một bằng chứng về mối liên hệ mạnh mẽ giữa địa vị kinh tế – xã hội với sức khỏe con người. “Do loài khỉ nâu có mối quan hệ tiến hóa gần gũi với người nên những kết quả này có thể tạo cơ sở để tìm hiểu về ảnh hưởng của địa vị xã hội đối với con người – một lĩnh vực mà các nghiên cứu thực nghiệm khó thực hiện” – nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo Giáo sư Robert M. Sapolsky – Đại học Stanford (Mỹ), đối với con người, địa vị xã hội thường thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh. Vì thế, các phát hiện trên ở loài khỉ nâu cũng có thể vận dụng cho con người. Nếu đúng là tình trạng dễ nhiễm bệnh đi kèm với địa vị xã hội thấp thì có thể đảo ngược sức đề kháng bằng cách thay đổi hoàn cảnh xã hội.

“Tôi nghĩ đây là một thông điệp xã hội tích cực. Nếu bạn đưa một cá nhân ra khỏi môi trường xã hội nghèo nàn – ít nhất là vào lúc họ trưởng thành, bạn có thể đảo ngược hiệu quả chức năng miễn dịch tế bào của họ” – ông Noah Snyder-Mackler, Đại học Duke – nói trên Sciencemag.org.

Theo nhóm nghiên cứu, ngoài việc cung cấp tốt hơn các điều kiện về y tế, lương thực thì việc tăng địa vị xã hội có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm một cách nhanh chóng. “Việc giảm căng thẳng xã hội bằng cách tăng cường địa vị xã hội có thể nhanh chóng thay đổi cách làm việc của hệ thống miễn dịch” – tiến sỹ Jenny Tung tại Đại học Duke nói.

Người giàu sống lâu hơn 10-15 năm so với người nghèo. Theo New York Times, một nghiên cứu gần đây ở Mỹ dựa trên dữ liệu từ 1,4 tỷ hóa đơn tiền thuế cho thấy, những người đứng trong nhóm 1% có thu nhập cao nhất sống lâu hơn nhóm 1% có thu nhập thấp nhất từ 10-15 năm.

Những người thu nhập thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, rối loạn tâm lý và nhiều bệnh khác cao hơn. Địa vị trong các nấc thang xã hội thường được đo bởi các tiêu chí thu nhập, giáo dục và các yếu tố khác liên quan.