Để không lãng phí nước: Cần coi nước là hàng hóa

ThienNhien.Net – Theo điều tra của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3.

Như vậy, so với ngưỡng trung bình 4.000 m3/năm trên thế giới, Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia thiếu nước. Đặc biệt với tình trạng hạn hán tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp hiện nay, cần có những quyết sách mạnh mẽ để sử dụng hiệu quả nguồn nước.Chính sách thuỷ lợi phí không hiệu quả, khó nhiều bề

Sau cả một quá trình ứng phó hạn mặn chưa từng có trong lịch sử vào những tháng hè vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng có đưa ra một nhận định có những vùng hoàn toàn có thể khắc phục được hạn hán nếu quản lý nước tốt. Ông thừa nhận, một trong những yếu kém của ngành thủy lợi là hiệu quả quản lý và sử dụng công trình thủy lợi thấp.

Không chỉ câu chuyện thời sự về hạn mặn mới cho thấy việc quản lý nước chưa được quan tâm đích đáng dẫn đến lãng phí. Việc lãng phí này đã tồn tại nhiều năm khiến chúng ta thua thiệt những giá trị kinh tế cụ thế. TS Đặng Ngọc Hạnh, Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi cho biết miễn giảm thủy lợi phí kèm chính sách đầu tư công lĩnh vực thủy lợi và chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ đất trồng lúa) khiến ngân sách Nhà nước tốn kém rất lớn để tạo ra gạo giá rẻ xuất khẩu. Vô hình trung chúng ta đang lấy ngân sách Nhà nước để có gạo giá rẻ bán cho nước ngoài.

Trên thực tế hiện nay, theo Nghị định  115/2008/NĐ-CP, việc miễn thuỷ lợi phí đươc áp dụng với diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối, bao gồm: Đất do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển nhượng hợp pháp, kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng.

Thuỷ lợi phí cũng được miễn đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối của hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Đặc biệt, điện tích mặt đất, mặt nước miễn thuỷ lợi phí quy định tại điểm này không phân biệt được cấp, tưới, tiêu nước từ công trình thuỷ lợi đầu tư bằng vốn ngân sách hay các nguồn vốn khác, thu thuỷ lợi phí theo mức Nhà nước quy định hay theo thoả thuận.

Nhìn nhận về chính sách này, TS Đặng Ngọc Hạnh đánh giá hiện chính sách miễn thủy lợi phí vừa không hiệu quả, vừa khó huy động khu vực tư nhân tham gia, khó thực hiện chủ trương xã hội hoá thuỷ lợi theo nền kinh tế thị trường. Tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động yếu kém, nhiều địa phương tan rã, nên việc quản lý phân phối nước gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, ngành thủy lợi đang hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp. Để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành, phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường; trong đó, cốt lõi phải huy động được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, biến nước trở thành hàng hóa.

Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông) (Ảnh: Bá Hoạt)
Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông) (Ảnh: Bá Hoạt)

Cần biến nước thành hàng hóa

Trong một hội thảo về quản lý nguồn nước mới đây tại Hà Nội, Giáo sư R. Quentin Grafton, Trường Crawford về chính sách công thuộc Đại học quốc gia Australia cho biết, hằng năm, nông nghiệp trồng trọt sử dụng khoảng 70-90% lượng nước ngọt trên thế giới. Tùy theo cách thức tưới tiêu và cách vận hành tưới tiêu, lượng nước mất đi từ việc chuyên chở, phân phối nước nông nghiệp và nước bốc hơi chiếm khoảng 30-90% lượng nước sử dụng.

Theo đề xuất từ phía các chuyên gia, hiện nay Việt Nam nên quan tâm và cần tập trung vào phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển. Cách thức này đã được nhiều nơi trên thế giới thử nghiệm, triển khai và mang lại hiệu quả. Đơn cử như thành phố Perth (Australia), 20% tổng lượng nước cung ứng cho khu vực này là nước thải đã qua xử lý. Còn ở Israel, người ta đã xây dựng nhà máy khử mặn nước biển cung cấp hơn 600.000 m3 nước sinh hoạt/ngày, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cho cả quốc gia này với chi phí 400 triệu USD…

Tuy nhiên với những cách thức nói trên cần có nguồn vốn đầu tư cho công nghệ rất lớn. Trong khi đó nước trong thủy lợi vẫn được dùng miễn phí như hiện nay thì khó có thể huy động được nguồn lực để “tái tạo nguồn nước” như nhiều quốc gia đã làm. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng việc định giá nước là hành động chính sách để người dân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tạo động lực chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sử dụng tiết kiệm nước. Đây là hành động quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu đặt ra là phải huy động được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Qua những cơ chế này sẽ giúp cho người nghèo, khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán do thiên tai sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn nước và ứng phó thiên tai.

GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng để đưa nước trở thành hàng hóa, quản lý theo quy luật thị trường còn nhiều vấn đề phải làm. Ở các nước, người ta định ra giá nước cho nhu cầu sử dụng như nước để phát điện; nước để tưới cho cây gì, cho ngành nào… trong khi chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chủ động được việc này.

Theo TS. Đặng Ngọc Hạnh, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về công tác thủy lợi, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, coi thủy lợi là một dịch vụ hàng đầu vào cho sản xuất.

Để có thể thu được thủy lợi phí, trước mắt cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về phân loại công trình thủy lợi và các hình thức tưới tiêu phù hợp và cần nghiên cứu đề xuất nguyên tắc, phương pháp xác định giá của từng loại sản phẩm dịch vụ thủy lợi, TS. Hạnh nêu quan điểm.