Sông Hậu trước nguy cơ bị nhà máy nhiệt điện bức tử

ThienNhien.Net -Theo Quy hoạch điện 7 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2030, ĐBSCL sẽ có thêm 23 nhà máy điện các loại…

Theo Quy hoạch điện 7 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2030, ĐBSCL sẽ có thêm 23 nhà máy điện các loại, không kể các nhà máy đã có. Trong đó, có tới 14 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 18.268 MW.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải

ĐBSCL không hề sẵn có nguồn nhiên liệu than. Việc vận chuyển từ Quảng Ninh vào khu vực này là khá xa. Phải chăng khi các nhà máy này đồng loạt đi vào hoạt động, ĐBSCL sẽ lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu thay vì năng lượng? Khi đó, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Úc hay Indonesia? Tuy nhiên, người ĐBSCL lại đang quan tấm đến một vấn đề khác, đó là liệu sông Hậu có bị các nhà máy nhiệt điện bức tử?

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 vừa được đưa vào vận hành chính thức từ đầu năm nay; cùng lúc, Nhà máy Duyên Hải 3 đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, đã làm hàng ngàn hộ dân sống gần Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải lo âu vì khói bụi. Mỗi lần khởi động để vận hành thử nghiệm nhà máy, cột khói đen phụt lên cao ngút, kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Ông Nguyễn Văn Ngật, xã Dân Thành cho rằng, làm giàu mà không đảm bảo sức khoẻ thì không nên làm giàu: “Thị xã Duyên Hải môi trường rất phức tạp, mới vận hành một nhà máy mà ra sân khói bụi đen thui, trên nóc nhà mưa thì bụi tràn xuống. Sức khỏe người dân rất nguy hiểm. Có được nhà máy, Duyên Hải cũng có được lợi thế. Tuy nhiên, phải bảo đảm bảo an toàn. Làm giàu mà không đảm bảo sức khỏe thì làm giàu để làm gì!”

Trung tâm điện lực Duyên Hải có tổng công suất khoảng 4.400MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua-bin ngưng hơi truyền thống. Khi đi vào vận hành, trung tâm này sẽ tiêu thụ 39.000 tấn than/ngày đêm. Theo đó, sẽ phát thải xỉ than 13.000 tấn/ngày đêm; do vậy, nguy cơ ô nhiễm không khí và nước thải là rất lớn. Hơn nữa, lượng tro xỉ này hoàn toàn chưa có phương án xử lý hiệu quả, chủ yếu được chôn lấp. Đến nay, đã có 31ha trong số 100 ha bãi chứa xỉ của Trung tâm được lắp đầy!

Theo ông Trần Trí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải gồm 4 nhà máy và 3 cảng than, 1 cảng tổng hợp là một phức hợp rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, chưa có báo cáo chiến lược tổng thể được thực hiện bởi đơn vị độc lập, khách quan: “Cần các nhà khoa học đánh giá tác động môi trường, công bố cho người dân yên tâm. Bốn nhà máy nếu hoạt động đồng loạt thải ra tro xỉ 13.000 tấn/ngày đêm. Hiện chưa có đơn vị nào sử dụng tro xỉ này, mới chạy từ đầu năm mà đã có 31ha bãi xỉ được lấp đầy. Sau này, khi chạy đồng loạt không biết tình hình như thế nào?!”.

Cảng than nhiệt điện Duyên Hải
Cảng than nhiệt điện Duyên Hải

Đánh giá về Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, các báo cáo đều không có những giải pháp cụ thể giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và nguồn sinh kế của cộng đồng; không có kế hoạch theo dõi các tác động của nhà máy lên sinh thái, động thực vật và môi trường cảnh quan. Đáng chú ý, các đánh giá ô nhiễm không khí từ vận hành nhà máy đều dựa vào mô hình, không có cơ sở kiểm chứng; Việc tính toán phát tán khói bụi lấy từ số liệu gió ở độ cao 10 m trong khi ống khói nhà máy cao … 210 m, không có ngoại suy khoa học.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường khẳng định tiếng ồn và độ rung khi vận hành nhà máy là không đáng kể. Trong khi thực tế, tiếng ồn của nhà máy là một dạng “tra tấn” âm ỉ cho cộng động chung quanh. Đối với rác thải nguy hại, báo cáo chỉ nói giao cho Công ty Môi trường xử lý nhưng không nói rõ phương cách xử lý các rác thải nguy hại. Đặc biệt, vấn đề tham vấn cộng đồng được thực hiện rất sơ sài, mang tính chiếu lệ, đối phó.

PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL có nhiều lổ hổng. Thứ nhất là do các quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Thứ hai, lổ hổng của người soạn thảo cái đó và người phê duyệt. Mình để cho các nhà máy đó tự làm, không có cơ quan giám định độc lập, để phản biện. Bản thân các báo cáo đánh giá tác động môi trường có những lỗi về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, một số kết quả cố tình làm nhẹ đi.”

Ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, qua thẩm định 3 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch phát triển ngành năng lượng tại ĐBSCL, một số nhà máy phải lập lại đánh giá tác động môi trường: “Chủ dự án không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình quản lý, không biết dùng công cụ gì mặc dù đã phạt họ!?”.

Cũng nằm bên dòng sông Hậu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú có công suất 1.200MW nằm trong Trung tâm Điện lực Long Phú, gồm 3 nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, 2, 3 với tổng công suất 4.400MW. Theo kế hoạch, nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2018 và tổ máy số 2 năm 2019.

Ông Lưu Quốc Tuấn, ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, sinh sống ngay cạnh nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 cho rằng, không thể và không nên đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân vùng ĐBSCL: “Không có nói là dân cư nữa mà là môi trường. Nên tìm hướng giải quyết trước. Nhiệt điện hoạt động sẽ có tro bụi, ảnh hưởng rồi đó, ô nhiễm rồi. Vì vậy, chưa đi vào hoạt động thì phải có một phương án để hạn chế.”

Biến đối khí hậu, hạn hán đang đe doạ tương lai nguồn nước. Nạn ô nhiễm cũng đang thu hẹp dần nguồn tài nguyên sẵn có này. Khi một nguồn nước bị ô nhiễm, nó sẽ bị mất đi, có thể, là vĩnh viễn. Nguồn nước ngày càng bị hạn chế, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia cũng cho thấy, hầu hết các doanh nhân đến từ nơi khác, quốc gia khác đều bị lợi nhuận thôi thúc, chứ không phải động lực xây dựng cộng đồng, nơi có sự hiện diện của doanh nghiệp, nhà máy. Và chỉ có động lực về lợi nhuận thì chưa đủ để đưa nền kinh tế của một quốc gia hay vùng tiến xa. Khi nền kinh tế lâm vào khó khăn hay tình hình an ninh bất ổn, những người không cam kết để xây dựng một ngôi nhà, một cộng đồng chung thường là người đầu tiên rũ áo ra đi. Vì vậy, ĐBSCL cần được kiến tạo thành một nơi an toàn vì sự phát triển bền vững của chính vùng đất chín rồng này.

Nguồn: