Đắk Nông: Nguyên Thường vụ Tỉnh ủy chiếm dụng 13,5ha đất rừng

ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) và vợ là bà Từ Thị Khanh (Chánh Văn phòng Sở LĐTBXH Đắk Lắk) có gần 20ha đất. Trong đó, ngoài diện tích thuộc 5 “sổ đỏ” đã được cấp, vợ chồng ông còn sở hữu trái phép hơn 13,5ha đất rừng do Cty lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. Điều đáng nói, vị nguyên cán bộ này đang được các ngành chức năng xúc tiến việc cấp luôn “sổ đỏ” cho diện tích đất rừng chiếm dụng trái phép.

Vườn tiêu của ông Sơn ở mặt tiền quốc lộ 14 - nay gọi là đường Hồ Chí Minh xuyên Tây Nguyên.
Vườn tiêu của ông Sơn ở mặt tiền quốc lộ 14 – nay gọi là đường Hồ Chí Minh xuyên Tây Nguyên.

Bài 1: Trang trại trên “đất vàng”

Nói là đất rừng, nhưng không phải heo hút, trang trại gần 20ha của ông Sơn nằm hai bên quốc lộ 14 với chiều dài mặt tiền… đi bộ mỏi chân. Đây là cửa ngõ vào thị xã tỉnh lỵ, cách trung tâm thị xã chưa đầy 10 phút đi ôtô. Liền sát bên cạnh có 1,6ha rừng thông do Nhà nước trồng còn sót lại, nhưng không người dân nào dám chặt phá để chiếm đất, vì nó đã được lâm trường giao cho ông Sơn quản lý chờ cấp “sổ đỏ”.
Biến đất rừng thành trang trại

Tuần đầu tháng 9, PV Báo Lao Động đã tiếp cận khu đất rừng có chiều dài hàng trăm mét mặt tiền hai bên quốc lộ 14 do ông Sơn, bà Khanh đang chiếm dụng trái phép. Đất rừng đã được biến thành trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm, một số diện tích trồng gỗ keo và gỗ xoan, có cả máy biến áp hạ thế, barie gác đường vào… Liền kề khu đất này, còn sót lại khoảng 1,6ha rừng thông do Cty lâm nghiệp Trường Xuân trồng bằng nguồn vốn ngân sách, hiện cũng do ông Sơn quản lý nốt. Ông Đỗ Ngọc Sơn – người quản lý cho ông Nguyễn Thanh Sơn – cho biết, vợ chồng “trang chủ” có nhiều ý tưởng táo bạo như thành lập doanh nghiệp chăn nuôi heo rừng, trồng hồ tiêu, kinh doanh phân bón… Nhưng vì nhiều lý do, việc kinh doanh chưa thành công lắm, hiện nay chủ yếu là giữ đất. Người quản lý cũng cho biết, khu đất rộng hơn 13,5 mẫu này – liền kề với khu đất gần 10ha đã được cấp 5 “sổ đỏ” của ông Sơn – đang được tỉnh Đắk Nông xúc tiến cấp “sổ đỏ”.

Đối chiếu với hồ sơ do PV thu thập được cho thấy, 13,5ha này là đất rừng thuộc khoảnh 7, tiểu khu 1665 và khoảnh 3, tiểu khu 1685 nằm trên địa giới hành chính xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. Làm việc với PV Báo Lao Động, ông Trần Quyết Tâm – Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân – xác nhận diện tích trên do đơn vị quản lý nhưng đã bị ông Sơn, bà Khanh “xâm canh” từ lâu. Ngoài nhiều loại cây trồng, trên diện tích này còn có trang trại chăn nuôi heo rừng lai, nuôi bò, nhà cấp 4, xung quanh rào bằng lưới B40 trên diện tích 5.000m2 “do gia đình bà Từ Thị Khanh và ông Nguyễn Thanh Sơn tự đầu tư, xây dựng và đang tổ chức sản xuất, kinh doanh” – báo cáo của Cty lâm nghiệp Trường Xuân.

Không biết… đất lâm trường?

Tại sao đất rừng do Cty lâm nghiệp Trường Xuân quản lý lại biến thành trang trại của ông Sơn? Ông Trần Quyết Tâm nói tỉnh bơ: “Cty không quản lý được, gia đình ông Sơn vào khai hoang, hoặc mua lại của ai đó”. Vậy ông Sơn hay ai đã chặt phá khu rừng này? Ông Tâm trả lời: “Rừng mênh mông nên ai chặt, chặt lúc nào mình không biết được, chỉ biết hộ ông Sơn đang xâm canh thôi”. Theo hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, ông Sơn khai mua lại nương rẫy cũ của người dân, thời gian mua khoảng năm 2003-2005, còn báo cáo của Cty lâm nghiệp Trường Xuân nói diện này chủ yếu là rừng bị phá trước năm 2004. Nhưng thực tế không phải vậy. Theo hiện trạng rừng được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt năm 2007, khu đất trên vẫn còn 9ha rừng gỗ thường xanh. Và đến năm 2013, theo quyết định quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đắk Nông, khu đất trên vẫn có 12ha được quy hoạch là đất lâm nghiệp – gồm 11ha rừng sản xuất và 1ha rừng phòng hộ.

Đường nội bộ trong trang trại của ông Sơn.
Đường nội bộ trong trang trại của ông Sơn.

Tiếp xúc với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, diện tích nói trên vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”, vì phải chờ UBND huyện Đắk Song làm cùng một đợt với nhiều người khác. Ông Sơn cho rằng mình không sai, vì diện tích này là nương rẫy cũ, ông mua lại của người dân, khi mua không biết là đất rừng do Cty lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. “Đến khi biết đây là đất rừng mà vẫn xin làm “sổ đỏ” thì ông thấy có đúng không? – PV hỏi. “Hầu hết đất lâm trường đều không quản lý được, bị lấn chiếm rồi cấp sổ đỏ hết, nhiều người dân cũng được cấp như vậy chứ không phải mình tôi” – ông Sơn nói. Thật khó tin đây là phát ngôn của một người, mà mới hơn một năm trước, còn là Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy. Bởi cho dù không phá rừng, thì việc mua gom đất rừng do Nhà nước quản lý đã là việc làm sai, không thể chấp nhận đối với một Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy.

Không ký vì liên quan đến đất rừng

Ông Lê Viết Sinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song – cho biết: “Trước đây UBND huyện và các sở đều đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của Cty lâm nghiệp Trường Xuân giao cho huyện cấp “sổ đỏ” cho ông Sơn. Nhưng tôi khẳng định, đến thời điểm này UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản nào chấp thuận các đề nghị đó”. Còn ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – cho biết: “Thời điểm đó tôi chưa làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi nghe thông tin tôi đã giao cho UBND huyện Đắk Song báo cáo sự việc. Vừa rồi huyện báo cáo là diện tích đó vẫn chưa cấp sổ đỏ cho ông Sơn”. Khi PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Luyện – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2010-2015, nay là Trưởng ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp thuộc Tỉnh ủy. Ông Luyện cho biết: “Lúc đó tôi có nhận được hồ sơ đề nghị thu hồi đất của Cty lâm nghiệp Trường Xuân, giao cho huyện Đắk Song cấp “sổ đỏ” cho ông Sơn. Nhưng tôi không ký, vì nguồn gốc là đất rừng, cái này tôi nắm rất rõ… ”.