Hé lộ nguyên nhân vụ vỡ hầm thủy điện Sông Bung 2: Tích nước trái quy trình

ThienNhien.Ne – Bảy ngày, sau sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, 28 triệu mét khối nước từ thượng nguồn dòng sông Bung đổ ập về hạ du, khiến 2 công nhân, 10 phương tiện cơ giới trôi mất tích, hàng trăm người dân thoát chết trong gang tấc thì mới hé lộ thông tin chủ đầu tư – Tổng Cty Phát điện 2 (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam – EVN) đã tích nước “chui”, qua mặt cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Việc tích nước sai quy trình, bỏ qua các điều kiện đảm bảo an toàn đối với hồ chứa thủy điện trên thượng cùng của hệ thống sông Bung với 5 thủy điện bậc thang cho thấy nhà đầu tư đã quá xem thường tính mạng, tài sản của hàng triệu dân vùng hạ du…

Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 đã gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản.
Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 đã gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản.

Trả lời báo Lao Động ngày 19.9, GĐ Sở Công thương Quảng Nam – cơ quan quản lý nhà nước được phân cấp quản lý toàn diện công trình công nghiệp tại địa phương đối với thủy điện Sông Bung 2- ông Nguyễn Quang Thử khẳng định: “Cho đến khi xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến hàng triệu dân vùng hạ du hoang mang thì chúng tôi mới biết họ (Tổng Cty Phát điện 2, EVN – PV) đã tích nước cả 10 ngày trước đó. Chúng tôi hoàn toàn không hay biết Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 cho tích nước. Điều này hoàn toàn trái với quy trình”. Ông Thử diễn giải thêm, trước đây, đối với các công trình thủy điện lớn, trước khi tích nước, công trình phải được Hội đồng thẩm định Nhà nước kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận đảm bảo an toàn đập thì mới cho phép tích nước. Tuy nhiên, do quá nhiều các công trình công nghiệp nên Hội đồng thẩm định Nhà nước không kham xuể, tháng 2 năm 2013, Chính phủ đã có Nghị định 15 (về Quản lý chất lượng công trình xây dựng), giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm chọn đơn vị thẩm định, Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Theo đó, Bộ Công thương cũng đã có Thông tư 16, phân cấp việc kiểm tra này cho UBND cấp tỉnh, Sở Công thương chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra hồ sơ nghiệm thu và các điều kiện đảm bảo an toàn đập.

   Thủy điện Sông Bung 2 đã tích nước trái quy trình, chưa đảm bảo các điều kiện pháp lý .
Thủy điện Sông Bung 2 đã tích nước trái quy trình, chưa đảm bảo các điều kiện pháp lý .

Như vậy, theo ông Thử, để đảm bảo các điều kiện tích nước, về nguyên tắc, sở Công Thương Quảng Nam là đơn vị đầu tiên mà Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 (thuộc Tổng Cty Phát điện 2, EVN – chủ đầu tư) phải báo cáo, xin phép. Trên cơ sở đó, sở này phải lập đoàn liên ngành, kiểm tra các điều kiện an toàn đập, đảm bảo có phương án phòng chống lụt bão, phối hợp với chính quyền hạ du tuyên truyền cho nhân dân, kiểm tra các công trình văn hóa, rà soát vật liệu nổ, chất độc hóa học, vệ sinh lòng hồ, đánh giá tác động môi trường … trước khi tham mưu cho UBND ra quyết định cho tích nước. Nhưng, cho đến thời điểm này, Sở Công thương Quảng Nam chưa tham gia các bước đó. Trong đó, nghiêm trọng nhất là chủ đầu tư chưa nộp giấy chứng nhận an toàn đập cho sở Công thương, UBND tỉnh Quảng Nam theo đúng quy định.

Tương tự, Sở Tài nguyên môi trường Quảng Nam – đơn vị có trách nhiệm tham gia kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn đập và bảo vệ môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho tích nước cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được “giấy chứng nhận đảm bảo an toàn đập” của nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết, trong công văn tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam về việc tích nước thủy điện Sông Bung 2 (số 1192- ngày 22.8.2016), chúng tôi đã yêu cầu Tổng Cty Phát điện 2, EVN – chủ đầu tư phải đảm bảo đủ 3 điều kiện cơ bản theo quy định Nhà nước trước khi tích nước lòng hồ. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải tiến hành nghiệm thu và có chứng nhận đã an toàn đập theo quy định (tại Nghị định 209/2014/NĐ-CP và Nghị định 49 – sửa đổi)… nhưng, cho đến thời điểm tích nước và cả đến bây giờ, nhà đầu tư vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đấy. Sở TNMT Quảng Nam chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn đập của Sông Bung 2.

Quản lý lỏng lẻo

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, ngày 19.9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tái khẳng định, sự cố vỡ thủy điện Sông Bung 2 khi mới tích nước 1/3 hồ là sự cố nghiêm trọng. Không chỉ liên quan đến tính mạng 2 công nhân mất tích, hàng trăm người dân khác thoát nạn mà nó liên quan đến 4 đập thủy điện lớn liền kề, phân tầng trên dòng sông Bung cũng như hàng triệu người dân vùng hạ du ở Quảng Nam. Việc tích nước của nhà đầu tư là quyết định vội vàng, không đúng quy trình. “UBND Quảng Nam chưa có bất cứ quyết định nào cho phép thủy điện Sông Bung 2 tích nước”. Ông Toàn khẳng định. Ông Toàn giải thích: Trước đó, khi có văn bản tham mưu của sở TNMT, chính tôi đã ký văn bản (sô 4036/UBND-KTN, ngày 23.8), thống nhất về mặt chủ trương cho phép tích nước hồ thủy điện Sông Bung 2… Tuy nhiên ràng buột rất kỹ là sau khi Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 hoàn tất các nhiệm vụ cơ bản theo quy định của Chính phủ và Bộ Công thương về đảm bảo an toàn đập. Trong đó có việc là phải tiến hành nghiệm thu và có chứng nhận đã an toàn đập theo quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự tích nước khi chưa hoàn tất các điều kiện mà UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu. Đến thời điểm tích nước và cả đến lúc này, Tổng Cty Phát điện 2 cũng chưa báo cáo lại là họ đã có đầy đủ các điều kiện đó chưa.

 Cửa van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 - thời điểm trước khi tích nước, xảy ra sự cố (Ảnh: Người dân cung cấp)
Cửa van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 – thời điểm trước khi tích nước, xảy ra sự cố (Ảnh: Người dân cung cấp)

Xin nhắc lại, ngay trong đêm 13.9 – đêm xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện, ông Huỳnh Khánh Toàn đã có mặt ngay tại công trình để kiểm tra. Tuy chưa nghe báo cáo trực tiếp, kiểm tra thực địa, ông Toàn đã vội vàng chỉ đạo cho ông Ngô Việt Hải, Tổng GĐ Tổng Cty Phát điện 2 – chủ đầu tư trả lời báo chí rằng nguyên nhân sự cố là do mưa lớn, ảnh hưởng của bão số 4. Không chỉ nhắc đi nhắc lại 3 lần tại hiện trường, mà tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam vào sáng 14.9, ông Toàn cũng loan tin, cho rằng nguyên nhân ban đầu là do lũ lụt.

Cho đến thời điểm này, khi tìm ra thông tin, hé lộ việc tích nước hồ thủy điện là trái quy trình, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn đập, chúng tôi trở lại chất vấn ông Nguyễn Khánh Toàn về nhận định và phát ngôn có biểu hiện vội vã nói trên, ông Toàn phân bua: “Lúc đó, để đảm bảo an ninh trật tự, trấn an hàng vạn dân đang hốt hoảng ngay vùng liền kề thân đập cũng như hàng triệu dân vùng hạ du đang hoang man, tôi mới đưa ra nguyên nhân ban đầu như vậy. Thực ra, kết luận nguyên nhân sự cố phải có hội đồng thẩm định với các bước điều tra kỹ lưỡng. Tôi khẳng định lại rằng, việc tích nước của thủy điện Sông Bung 2 là chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định. Tỉnh chưa quyết định cho tích nước”.

Dẫu có giải thích cặn kẽ của chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, nhưng sau sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, đe dọa sự an nguy của hàng triệu dân đã bộc lỗ rõ sự chủ quan, quản lý lỏng lẻo đối với một công trình thủy điện lớn trên thượng nguồn.

Không thể đổ lỗi cho thời tiết!

Lãnh đạo một nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống sống Vu Gia- Thu Bồn, Quảng Nam cho biết, trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn, nguyên lý cơ bản khi tích nước hồ thủy điện là phải tích vào thời điểm dòng chảy thấp nhất. Tức là mùa khô hạn mới hợp lý. Bởi, chính khối bê tông có đường kính xấp xỉ 14m và dài 40m dưới thân đập chính mới chịu đựng lực nén của hồ thủy điện 98 triệu m3 của Sông Bung 2 chứ không phải tấm thép 125 tấn ở cửa van. Thủy điện Sông Bung 2 đã chọn thời điểm tích nước chưa hợp lý, lại gặp xui là bão số 4 ập vào sau khi chứa 28 triệu khối nước nên xảy ra sự cố hy hữu.

Thủy điện Sông Bung 2 đã tích nước trái quy trình, chưa dảm bảo các điều kiện pháp lý (Ảnh: Thanh Hải)
Thủy điện Sông Bung 2 đã tích nước trái quy trình, chưa dảm bảo các điều kiện pháp lý (Ảnh: Thanh Hải)

GSTS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, ông chưa đưa ra nhận định cụ thể về nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ hồ thủy điện Sông Bung 2 được ngay vì chưa lên thực địa. Tuy nhiên, theo thông tin ông được biết, hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 có cao trình 515m, trong khi lòng hồ (lòng sông trước đây) ở cao trình 564m, nghĩa là hầm này nằm âm dưới lòng hồ. Khi tích được 10 ngày với dung tích hơn 28 triệu m3 nước, thì van và hầm dẫn dòng này chủ yếu chịu áp lực nén của khối nước này. Lũ thượng nguồn đổ về lúc này đã có lòng hồ với 28 triệu m3 đã giúp giảm một phần áp lực ngang. Mặt khác, nếu chịu lực trực tiếp phải là thân đập chính, bởi hầm dẫn dòng nằm âm dưới lòng hồ nên không bị động năng này. Lũ chỉ là một trong những tác nhân chứ không phải là nguyên nhân chính.

Ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, mưa lũ do bão số 4 vừa qua là không lớn, không bất thường. Bằng chứng là mực nước các sông đều ở dưới mức báo động I. Vì vậy chủ đầu tư đổ lỗi do mưa lớn dẫn đến vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công của dự án thủy điện sông Bung 2 là không ổn. Theo ông Lê Trí Tập, thực tế là nhà đầu tư đã đóng van lại để tích nước thì nguyên tắc là tấm van ấy phải chịu được áp lực nước lớn. Bởi dung tích hồ chứa là 94 triệu mét khối nước thì nếu lũ to hơn nữa tấm van đó phải chịu đựng được lũ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, theo chủ đầu tư, thời điểm xảy ra sự cố trôi cửa van số 2 làm nước tràn vào hầm dẫn dòng thì hồ chứa mới chỉ tích được 28 triệu mét khối nước mà tấm van nặng 125 tấn đã bị vỡ và cuốn trôi, phải chăng chất lượng công trình là có vấn đề. Ông Lê Trí Tập cho rằng, cần phải có thời gian kiểm tra, rà soát quy trình tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, chứ không thể đổ lỗi cho nguyên nhân thời tiết.