Đông Nam Á lại chìm trong khói mù

ThienNhien.Net – Không khí bị ô nhiễm là do cháy rừng và cháy than bùn ở Indonesia để trồng cây, mà chủ yếu là để làm giàu từ dầu cọ, theo BBC.

Cháy rừng ở Kalimantan, Indonesia. Ảnh ESA
Cháy rừng ở Kalimantan, Indonesia. Ảnh ESA

Các nước láng giềng của Indonesia vẫn phải hứng chịu cảnh này hàng năm, và không khí ô nhiễm được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong.

Indonesia công bố tình trạng khẩn cấp ở sáu tỉnh và nhiều lần nhấn mạnh việc ngăn chặn các hoạt động chặt và đốt cây.

Tuy nhiên, Singapore và Malaysia cáo buộc Jakarta chưa làm đủ để giải quyết vấn đề này.

Khói mù từ đâu ra?

Mỗi năm, khu vực Sumatra và một số nơi ở Kalimantan, đảo Borneo vẫn có nhiều đống lửa lớn. Riêng trong hôm thứ sáu 26/08, khoảng 100 điểm như vậy đã được phát hiện.

Lửa được cho là do các công ty cũng như nông dân dùng phương pháp chặt cây rồi đốt để dọn sạch đất trồng cọ lấy dầu, đồn điền giấy và khai thác bột giấy.

Khi được châm lửa, ngọn lửa thường bị mất kiểm soát và lan sang khu vực rừng bảo tồn và vùng có than bùn.

Hỏa hoạn do than bùn thường khó dập do có thể cháy dưới mặt đất trong nhiều tháng, và cần rất nhiều nước để dập tắt.

Nghiêm trọng tới mức nào?

Đợt khói mù lớn nhất hàng năm có thể trải tới hàng trăm cây số, sang cả Malaysia, Singapore, Nam Thái Lan và Philippines, khiến không khí bị ô nhiễm trầm trọng.

Vấn đề này gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây do có thêm các vùng đất bị dọn sạch để mở rộng đồn điền khai thác dầu cọ.

Chính phủ Indonesia làm gì?

Indonesia nói đã bắt giữ 450 người liên quan tới các vụ đốt lửa riêng trong năm nay, trong đó có người liên quan tới các công ty.

Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu huy động thêm nguồn lực nhằm kiểm soát và và chữa cháy, nhưng ông nói với BBC vào năm 2015 rằng, cần ít nhất ba năm để có thể thấy được kết quả.

Có nguy hiểm không?

Bên cạnh việc khiến đường thở và mắt khó chịu, chất ô nhiễm có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Những chỉ số được dùng để đo chất lượng không khí ở khu vực thường đo các hạt vật chất (PM10) và các hạt siêu nhỏ (PM2.5), khí sulphur dioxide, khí carbon monoxide, nitrogen dioxide và ozone.

PM2.5 có thể vào sâu trong phổi. Loại hạt này cũng liên quan tới các nguyên do gây bệnh đường hô hấp và tổn tương phổi.

Tuy Singapore đã nhiều lần lên tiếng về chất lượng không khí tồi, ở nhiều nơi ở Indonesia, khói mù có thể kéo dài hàng tháng và nguy hiểm chết người.