Ô nhiễm làng nghề, lỗ hổng chờ xã hội hóa tại Hà Nội

ThienNhien.Net – Dù có hơn 1.000 cơ sở làng nghề đang hoạt động nhưng Hà Nội chưa có cơ sở xử lý nước thải mà mới đang lên dự án và chờ xã hội hóa.

Trong báo cáo về thực trạng ô nhiễm tại TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết việc thu gom chất thải rắn độc hại trên địa bàn thành phố mới đạt 98%, chất thải sinh hoạt 95%, chất thải CN 95%. Tình trạng ô nhiễm không khí, nước bẩn hiện vẫn vượt tiêu chuẩn tại nhiều nơi.

Tại các KCN, TP đã xây 10/10 trạm xử lý nước thải nhưng chất lượng xử lý nước thải chưa đạt so với tiêu chuẩn. Tình trạng nhiễm ao hồ, hồ chứa nước, các sông như Sông Nhuệ, sông Tô Lịch đều ở mức báo động.

Đáng chú ý, hơn 1.000 cơ sở làng nghề đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa có cơ sở xử lý nước thải. Do đó, nước thải của hơn 1000 làng nghề và nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư hiện đang đổ ra các sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ… mà chưa qua xử lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây được nhận định là một vấn đề nóng và thành phố đang tăng cường kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đồng thời đẩy mạnh tiến độ các dự án xử lý nước thải.

Trước thực trạng môi trường hiện nay, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ đưa ra nhiều giải pháp như bổ sung công suất dự án xử lý nước thải Hồ Tây; triển khai hợp tác với các công ty của Đức (CHLB Đức) trong xử lý ô nhiễm ao hồ trên đia bàn TP theo công nghệ mới; rà soát và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN.

Thành phố cũng triển khai trồng cây xanh kết hợp với giải pháp cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác sinh hoạt và quản lý chặt chẽ xe chở VLXD để giảm ô nhiễm môi trường không khí; đẩy nhanh tiến độ lập dự án xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác và phát điện; quy hoạch bổ sung các điểm xử lý rác thải trên địa bàn; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường tại các các cơ sở sản xuất…

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường theo Luật  BVMT 2014 (thay thế cho Nghị định 179 năm 2013) để các địa phương có căn cứ pháp lý xử lý các cơ sở vi phạm về MT và đề nghị Bộ TN&MT rà soát giảm bớt các TTHC trong lĩnh vực MT, tài nguyên nước, tăng cường phân cấp cho các địa phương để công tác quản lý MT được thuận lợi hơn.

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế, Công an, Xây dựng, GTVT tập trung đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn tại các Bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc đóng trên địa bàn TP. TP đề xuất chính phủ bổ sung ngân sách cho Hà Nội để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đưa nước về sông Tích nhằm cải tạo nguồn nước và có cơ chế đặc thù cho Hà Nội được quyền phê duyệt đối với các dự án xử lý nước thải ra sông Nhuệ.