Dịch vụ môi trường rừng trong du lịch

ThienNhien.Net – Lào Cai là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ du lịch.

Thác Bạc (Sa Pa) là một trong những điểm du lịch được tạo ra từ các giá trị môi trường rừng
Thác Bạc (Sa Pa) là một trong những điểm du lịch được tạo ra từ các giá trị môi trường rừng

Từ 2012, tỉnh đã ban hành các quy định tạm thời về mức thu tiền DVMTR đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh là 1,5% doanh thu của các sản phẩm du lịch sử dụng DVMTR, trừ dịch vụ ăn uống, cước vận tải, xây dựng cơ bản, tiền sử dụng nước sinh hoạt, tiền vé tham quan, tiền phòng nghỉ đã nộp ở đơn vị kinh doanh du lịch khác.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai đã tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác với 34/118 đơn vị kinh doanh du lịch thuộc đối tượng phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh, thu hơn 2,3 tỷ đồng và giải ngân hơn 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đối với dịch vụ du lịch tại Lào Cai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về đối tượng, mức thu, và căn cứ thu.

Sa Pa là điểm thu hút khách du lịch chính của tỉnh Lào Cai với 1,4 triệu lượt khách tham quan trong năm 2015, đóng góp 64% tổng doanh thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh Lào Cai, tuy nhiên, hiện mới chỉ có 23/185 công ty tham gia ký hợp đồng chi trả (12,4%). Đa số các công ty lớn thuộc Hiệp hội Du lịch Sa Pa chưa tham gia.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, khi phỏng vấn khách du lịch tại Sa Pa cho thấy lý do chính để họ đến Sa Pa là để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên và hưởng thụ thời tiết mát mẻ, không khí trong lành có được từ rừng. Vì thế, đa số du khách (97,7%) đồng ý chi trả cho hoạt động bảo vệ rừng. Đặc biệt 91% khách du lịch cho rằng chính mình cũng đang được hưởng thụ lợi ích từ rừng qua các hoạt động liên quan đến rừng, 81% khách du lịch sẵn lòng chi trả một khoản tiền nào đó để chung tay bảo vệ rừng.

Tuy nhiên những băn khoăn của doanh nghiệp du lịch trong việc sẵn sàng thực hiện chi trả DVMTR là cơ sở khoa học xác định đối tượng chi trả (bên sử dụng) gồm những hoạt động du lịch nào đang hưởng lợi từ rừng? Rồi căn cứ xác định mức thu để bảo đảm công bằng và mức thu cụ thể là bao nhiêu để vừa khuyến khích bảo vệ giá trị rừng, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch?

Theo Nghị định 99, thì 1/5 loại DVMTR là cung cấp bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sịnh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho các dịch vụ du lịch. Đồng thời, cũng quy định tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền cho các chủ rừng tạo ra dịch vụ.

Việc xác định khu rừng tạo ra dịch vụ trong du lịch là tương đối khó khăn. Khác với thủy điện hay sản xuất nước sạch, khi lưu vực tạo ra các giá trị điều tiết và duy trì nguồn nước có thể được đo đạc chính xác, thì giá trị cảnh quan và giá trị giải trí khó có thể được quy định là do đơn vị rừng nào tạo ra?