Bình Phước: Hàng trăm hécta rừng bị chặt, vì bị coi là “nghèo kiệt”

ThienNhien.Net – Không chỉ vụ hơn 100ha rừng trong dự án của Cty TNHH MTV caosu Sông Bé bị chặt phá vừa bị công luận lên tiếng, mà tại dự án của Cty Sasco, cơ quan chức năng cũng phát hiện trên 200ha rừng bị chặt hạ một cách hợp pháp trong thời gian qua, với danh nghĩa “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”…

Hàng trăm hécta rừng ở BP trong 2 dự án trên đã bị chặt hạ vì lý do “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”.
Hàng trăm hécta rừng ở BP trong 2 dự án trên đã bị chặt hạ vì lý do “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”.

“Hô biến” hàng trăm hécta rừng

Năm 2009, Cty CP đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước được UBND tỉnh Bình Phước (BP) chấp thuận chủ trương làm chủ đầu tư dự án trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp trên diện tích 793,5ha. Tuy nhiên, Cty chỉ trồng được 157ha caosu và khai hoang được 61,8ha đất trống. Năm 2013, UBND tỉnh BP thu hồi lại 636,5ha đất rừng từ Cty Sài Gòn – Bình Phước. Sau đó, lấy 575,2ha từ số diện tích đất rừng thu hồi ở trên, giao cho Cty TNHH MTV caosu Sông Bé tiếp tục thực hiện dự án. Trong đó, tỉnh BP xác định Cty caosu Sông Bé phải thực hiện dự án “trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp” trên diện tích 353,8ha, phần còn lại 221,4ha là rừng phòng hộ phải khoanh nuôi bảo vệ nguyên trạng theo quy định. Tuy nhiên, với cái tên sau này là “Dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng”, viện lý do 353,8ha rừng (trong tổng số 575,2ha) “thuộc đối tượng rừng nghèo được chuyển sang trồng caosu”, Sở NNPTNT tỉnh BP đã cấp “giấy phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản” cho Cty caosu Sông Bé dọn sạch diện tích rừng trên. Rất may, Cty caosu Sông Bé mới “dọn” được 129,5ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 69, thì bị công luận lên tiếng, buộc phải… tạm ngừng chặt rừng vào ngày 5.8 vừa qua.

Tương tự, vào năm 2006, Cty Sasco được tỉnh BP cho phép thực hiện “Dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng” trên diện tích đất rừng là 545ha; trong đó, riêng diện tích rừng đã chiếm 456ha. Song, chưa thấy Sasco “khoanh nuôi, bảo vệ rừng” được bao lâu, thì tháng 1.2008, UBND tỉnh BP đã phê duyệt dự án, cho phép Sasco chuyển đổi rừng “lồ ô khuy (thoái hóa)” sang trồng caosu, trên diện tích 105ha. Đồng nghĩa, những cánh rừng lồ ô bị cho là… thoái hóa đã bị chặt hạ không thương xót. Tháng 10.2008, UBND tỉnh BP tiếp tục cho phép Sasco “chuyển rừng nghèo kiệt” sang trồng caosu, trên diện tích 161ha đất rừng còn lại… Tháng 11.2009, cơ quan chức năng xác nhận trong tổng số 161ha đất rừng, có 121,7ha rừng trạng thái IIIa1 và 35,7ha rừng trạng thái IIb… Tuy nhiên, 161ha rừng trên đã không còn nữa, sau quá trình chặt hạ một cách hợp pháp từ chủ đầu tư và các đối tác của Sasco… Vấn đề đặt ra ở đây, cái gọi là “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng caosu” (tại dự án Sasco) và “chuyển đổi rừng nghèo kiệt để chăn nuôi” (tại dự án Cty caosu Sông Bé), thực chất, có phải là hành vi phá rừng? Tại dự án Cty Sasco, ngay từ lúc đầu giao khoán đất và rừng cho Sasco – 456ha/545ha là dày đặc rừng; thế nhưng, chỉ sau 3 năm rừng đã không còn. Từ rừng trạng thái IIIa1, IIb… đã được chuyển sang “lồ ô khuy (thoái hóa)”, rồi cuối cùng được gọi là “rừng nghèo kiệt”(?). Và, người ta đã “hô biến” những cánh rừng nghèo kiệt ấy một cách hợp pháp, lấy đất chuyển sang trồng caosu hoặc chăn nuôi…

“Phá rừng hợp pháp hay bất hợp pháp, đều có tội với thiên nhiên…”

Tháng 1.2008, khi được tin Sasco và Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung liên doanh trồng caosu, có ý kiến không đồng tình từ nhiều cơ quan chức năng bảo vệ rừng. Trên thực tế, diện tích rừng tự nhiên đã suy giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 1.000ha, có độ tàn che lớn, tác dụng bảo vệ môi trường và phòng hộ đầu nguồn ở khu vực giáp sông Mã Đà. Trạng thái rừng ở đây còn khá nhiều cây gỗ lớn, mật độ cây tái sinh cao, đủ tiêu chuẩn khoanh nuôi phục hồi. Nếu cho ủi rừng tự nhiên, với lý do cải tạo rừng tự nhiên để trồng lại cây có giá trị kinh tế, sẽ phá vỡ quy hoạch vừa được phê duyệt (quy hoạch khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên). Theo Hạt Kiểm lâm Đồng Phú, việc chủ dự án xin cải tạo rừng tự nhiên bằng biện pháp trồng mới cây caosu là chỉ thiên về mục đích kinh tế. Nếu so sánh về tác dụng bảo vệ môi trường, thì rừng trồng bằng cây caosu không thể sánh được với thảm thực vật, vi sinh vật của trạng thái rừng hiện tại. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những ý kiến trên, người ta vẫn quyết tâm “hô biến” hàng trăm hécta rừng, với lý do “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”, nhằm nhường đất trồng caosu, phục vụ cho lợi ích kinh tế hơn là vì lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Tương tự, khi nghe tin UBND tỉnh BP có chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” tại dự án của Cty caosu Sông Bé, ông Nguyễn Văn Ách – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp – đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên giữ lại rừng. Ông Ách từng đưa ra nhiều dẫn chứng khoa học để chứng minh với lãnh đạo rằng, khu rừng này không phải rừng nghèo kiệt. Thậm chí, ông Ách phải vào rừng nhiều ngày liền đợi voi, bò tót… xuất hiện, chụp hình cho mọi người thấy, rừng nơi đây vẫn còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã và quý hiếm… Ông Nguyễn Văn Ách chua xót nói: “Tôi cảm thấy hổ thẹn, là người lính giữ rừng; nhưng đứng nhìn rừng mất mà không cách gì ngăn chặn được. Dù chặt rừng là hợp pháp hay bất hợp pháp, tôi đều cảm thấy có tội lớn với thiên nhiên. Trước mắt, nó phá vỡ khả năng quản lý, bảo vệ những khu rừng cuối cùng còn lại…”. Trong lúc đó, ông Nguyễn Đức Huy – Chủ tịch UBND xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp – khẩn thiết: “Tôi mong các cấp có thẩm quyền nên ngừng ngay việc chuyển đổi rừng sang đất sản xuất… Bởi vì, diện tích rừng ở BP còn ít lắm… Hãy khoanh nuôi rừng còn lại, có thể phải trồng thêm. Nếu ta cứ mượn lý do chuyển rừng nghèo kiệt để… chặt bỏ rừng, thì con cháu xứ rừng sau này cũng không biết rừng là gì nữa”.