Tây Nguyên thiếu vốn trồng mới rừng

ThienNhien.Net – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào giữa mùa mưa và là mùa trồng rừng. Thế nhưng, hiện nay mới trồng được 3.522 ha rừng tập trung, đạt quá thấp so với kế hoạch, nguyên nhân là do thiếu vốn.

Đặc biệt, trong công tác trồng rừng phòng hộ, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh còn quá thấp, chỉ có 15 triệu đồng/ha cho 4 năm (1 năm trồng, 3 năm chăm sóc), trong khi đơn giá bình quân 1 ha rừng phòng hộ tại Tây Nguyên từ 65 triệu đồng/ha trở lên.

Hiệu quả trồng rừng ở Tây Nguyên chưa cao.
Hiệu quả trồng rừng ở Tây Nguyên chưa cao.

Bên cạnh đó, cơ chế tín dụng đầu tư trong lâm nghiệp chưa thông thoáng; Đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, lợi nhuận thấp, mức độ rủi ro cao, nên các ngân hàng thương mại cũng chưa quan tâm đầu tư, quỹ đất để trồng rừng còn nhiều tranh chấp với người dân; một số loại cây trồng nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nên cạnh tranh mạnh mẽ với cây rừng…

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát, quy hoạch lại các vùng đất trống, đồi núi trọc chưa có rừng, đất nương rẫy lấn chiếm trên đất lâm nghiệp, để có kế hoạch đưa vào trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia phát triển rừng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ rừng, chủ đầu tư, người dân tham gia trồng rừng sản xuất bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Cụ thể là hỗ trợ cơ sở hạ tầng, dịch vụ trồng rừng, liên doanh liên kết với các đơn vị chế biến, trồng rừng kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lương thực cho người dân trồng rừng thay thế nương rẫy, áp dụng biện pháp luân canh rừng – rẫy.

Các tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án trồng rừng… nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn.