Hệ lụy vàng ở một huyện nghèo

ThienNhien.Net – “Vàng cũng sợ, thủy điện cũng sợ. Cứ thấy đào đất lên là sợ…!” là lời của ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư huyện ủy A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) trong buổi làm việc mới đây với PV báo Đại Đoàn Kết. Tuy nhiên huyện miền núi nghèo A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế lại có hàng loạt dự án khai thác khoáng sản đang triển khai. Trong số này có 2 dự án thăm dò vàng lên đến hàng trăm ha, đảo lộn núi rừng sông suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của người dân.

Chiến địa A Pey B

Tìm cách thâm nhập vào khu vực thăm dò trên tổng diện tích 120 ha bãi vàng A Pey B thuộc địa bàn xã Hồng Thủy những ngày đầu tháng 8, PV ghi nhận thảm cảnh kinh hoàng với cả vùng đồi núi bị đào xới tan hoang.

Cạnh các mái đồi bị bạt ngọn, trơ màu đất tươi vàng dưới nắng trưa, là những vực sâu rợn người do bị đào khoét. Phóng tầm mắt qua vùng đất rộng tả tơi màu đất mới, chúng tôi gặp cỗ máy to nằm dưới mái tôn lóa nắng. Từ đây có 1 đường ống dài cả cây số dẫn đến một lán trại lợp tôn khác cũng có cỗ máy mà theo phỏng đoán của chúng tôi là để sàng lọc đất đá.

Từ lán trại này có đường ống dẫn thẳng xuống thung lũng – nơi có đất đai canh tác của người dân Hồng Vân, Hồng Thủy. Cạnh lán trại là máy phát điện to bằng mái nhà. Rải rác trong bãi vàng là các cột điện, tủ điện ghi toàn chữ Trung Quốc. Trên giấy tờ, bãi vàng A Pey B nằm trên địa bàn xã Hồng Thủy nhưng lại ảnh hưởng lớn đến môi trường, sản xuất của bà con xã Hồng Vân.

Theo con đường bị đào khoét không khác gì giao thông hào, chúng tôi hướng đến cổng chính bãi vàng. Tại đây cũng có máy móc sàng tuyển và các vũng nước với màu sắc khác lạ cho thấy việc sử dụng hóa chất độc hại. Khu vực cổng chính bãi vàng nằm trên đỉnh dốc đang có mấy cỗ máy đào đang hoạt động. Công nhân lái máy đào nói rằng anh ta vừa được ông chủ ra tận Quảng Ninh tuyển vào. Cách đó không xa là ngôi nhà được người dân cho biết là chốt gác của Biên phòng Hồng Vân.

Khu vàng A Pey B (dân địa phương gọi là núi Con Mèo) cách đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chưa đầy 500 mét theo đường chim bay. Trao đổi về thực trạng môi trường đáng lo ngại ở A Pey B với Đại tá Võ Văn Cảm, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Thừa Thiên – Huế, được biết ông đã đến hiện trường bãi vàng này từ cách đây 2 năm còn bây giờ chưa thể hình dung nổi nó bị tàn phá  đến mức nào. Theo Đại tá Võ Văn Cảm thì doanh nghiệp làm dự án xong xuôi đâu đấy rồi tỉnh mới cho mời Biên phòng đến để… thông qua.

Một góc núi rừng A Pey B bị đào xới tan hoang (Ảnh: Dương Thanh Tùng).
Một góc núi rừng A Pey B bị đào xới tan hoang (Ảnh: Dương Thanh Tùng).

Đưa lao động Trung Quốc vào khu vực biên giới

Chiều ngày 4/8 chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty cổ phần khoáng sản Đông Trường Sơn (Công ty Đông Trường Sơn) đóng tại thị trấn A Lưới. Ông Trần Xuân Thông, Giám đốc công ty này thừa nhận, Công ty Đông Trường Sơn đang thử nghiệm công nghệ Trung Quốc trong thăm dò. Theo ông Thông thì từ khi được cấp phép thăm dò lần đầu tiên vào năm 2011, do thăm dò không hiệu quả nên ông phải liên hệ với đối tác Trung Quốc, đưa công nghệ mới vào khu vực Apey B để tìm vàng.

Ngoài ra, Công ty Đông Trường Sơn còn đưa trái phép cả nhân lực Trung Quốc vào bãi vàng trên địa bàn biên giới. Ngày 28-6-2016, các đơn vị chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế và huyện A Lưới tiến hành lập biên bản đối với Công ty Đông Trường Sơn về việc sử dụng 2 lao động Trung Quốc gồm các ông Huang Jing Zhi (sinh năm 1989) và ông Li Yi (sinh năm 1985) vào làm việc tại dự án thăm dò khoáng sản vàng ở Apey B từ ngày 13/4/2016 mà không báo cáo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh để hoàn tất các thủ tục đăng ký sử dụng lao động nước ngoài.

Theo ông Trần Xuân Thông, việc thăm dò của Công ty Đông Trường Sơn ở bãi vàng A pey B không đem lại hiệu quả như mong muốn. Ý kiến của ông Thông hoàn toàn mâu thuẫn với việc Công ty này rốt ráo hoàn tất thủ tục gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xin gia hạn thăm dò vàng gốc tại khu vực A Pey B, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Trong thời gian chờ đợi, Công ty Đông Trường Sơn vẫn thực hiện thăm dò ở khu vực này theo giấy phép đã cấp. Lý giải về việc thăm dò không hiệu quả mà vẫn tiếp tục xin gia hạn thăm dò, ông Trần Xuân Thông cho biết là để làm cơ sở xin giấy phép khai thác, sau đó chuyển giao khu mỏ cho nhà đầu tư có… công nghệ hiện đại hơn!

Núp bóng thăm dò, thất thu thuế tài nguyên

Theo ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy A Lưới thì công tác quản lý khoáng sản ở A Lưới những năm qua được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, do thẩm quyền của huyện có hạn nên khó ngăn được doanh nghiệp núp bóng khai thác vàng. Đơn cử Công ty cổ phần Vạn Phát Phát được cấp phép thăm dò vàng gốc trên diện tích 30 ha tại khu vực xã Nhâm từ năm 2008, đã “rút êm”. Công ty này ký quỹ môi trường nhưng khoản tiền ký quỹ không khác gì hạt cát so với môi trường bị biến dạng.

Giấy phép thăm dò vàng gốc trên tổng diện tích 120 ha khu vực A Pey B của Công ty Đông Trường Sơn đã hết hạn vào tháng 11-2015 nhưng doanh nghiệp vẫn  hoạt động đợi “gia hạn” giấy phép mới. Đại diện lãnh đạo huyện A Lưới và đại diện ngành chức năng liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện này thừa nhận không thể biết họ (doanh nghiệp) đã lấy đi được bao nhiêu vàng vì không có chuyên môn.

Môi trường bị hủy hoại, rừng núi, đất đai bị biến dạng, Nhà nước thất thu thuế tài nguyên. Đây là thực tế tồn tại nhiều năm nay ở huyện nghèo A Lưới.